(Đây là chuỗi bài viết ghi lại những hiểu biết, trải nghiệm, chiêm nghiệm của mình về NVC - Giao tiếp phi bạo lực, một tiếp cận được phát triển bởi Nhà Tâm lý học Marshall Rosenberg giúp xây dựng kết nối lạnh mạnh của mỗi người với chính mình và những người xung quanh. Tiếp cận này hữu ích không chỉ với cuộc sống cá nhân, công việc mà còn có sức mạnh chuyển hóa cộng đồng, trường học và rộng hơn là văn hóa của xã hội.
Khi viết những dòng này, mình đang tham gia một chương trình Tập huấn chuyên sâu về NVC do Trung tâm Giao tiếp phi bạo lực Quốc tế tổ chức tại Đài Loan).
Mình mạng Hỏa, chồng mình mạng Thủy. Người ta bảo hai vợ chồng như vậy là sẽ khắc khẩu lắm. Mình không tin.
Nhưng sự thật là sau gần 10 năm quen nhau, 5 năm kết hôn thì phải nói là hai đứa hay cãi nhau nhiều thật. Và đa số lần nào hai đứa “cãi” cũng từ 2 tiếng đồng hồ trở lên và “cãi” rất căng. Nói đâu xa, trước hôm đi Đài Loan, tụi mình ngồi ngay dưới chung cư nhà nói chuyện từ 10h tối đến 2h sáng bất chấp ngày mai phải đi một chuyến đi rất dài và chưa soạn đồ xong.
Nhìn chung, bọn mình tranh luận từ những việc nhỏ xíu trong đời sống hằng ngày cho đến những chủ đề về công việc, quan điểm sống. Có những thời điểm những cuộc trò chuyện nhiều và trở nên căng thẳng đến mức mình đã cảm thấy không thể tiếp tục bước tiếp nữa.
Nhưng qua nhiều năm cố gắng điều chỉnh, và đặc biệt từ ngày mình bắt đầu biết đến và thực hành NVC (Nonviolent Communication) hay Giao tiếp phi bao lực nhiều hơn thì “nội công” của hai đứa đã trở nên thâm hậu hơn. Phần “cãi” dần trở nên ít hơn và thay thế bằng nhiều phần “đàm” và “luận”. Đến bây giờ, rất nhiều mâu thuẫn lớn giữa cả hai đã giải quyết được một cách gần như là triệt để.
Hôm nay rất đặc biệt vì mình sẽ kể cho mọi người nghe một cuộc “giao tiếp” nhỏ gần nhất của hai vợ chồng ngay tại khách sạn của bọn mình ở Đài Bắc. Thông qua đó, giới thiệu với mọi người một cách ngắn gọn về NVC nha.
----
VỤ ÁN CHIẾC BÔNG TAI
Câu chuyện bắt đầu từ một thói quen của mình như thế này: Phụ nữ thì hay đeo bông tai. Mình cũng đeo và trong những chuyến đi du lịch hay công tác dài ngày mình đem đúng một đôi cho gọn.
Sau một ngày dài, đến lúc quay về khách sạn, mình sẽ tháo ra và để ở một góc nào đó mình thấy là an toàn và dễ lấy (mình không bỏ trong túi hay hộp nào vì chỉ có 1 đôi nhỏ thôi vì cảm giác là bỏ vào đâu cũng khó tìm). Lúc nào đi du lịch mình cũng thường làm như vậy.
Cho đến buổi sáng cách đây vài ngày khi tụi mình đang dọn dẹp đồ để rời khỏi khách sạn thì chồng mình nói bằng một giọng khá nghiêm trọng:
-Chồng (mắt và tay vẫn đang tìm kiếm): Anh nghĩ anh vừa làm rớt một chiếc bông tai của em rồi. Anh đang dọn đồ trên bàn mà anh nghe thấy tiếng nó rớt đâu đó mà giờ anh không tìm thấy.
-Vợ (quan sát hành động của chồng, hít thật sâu, suy nghĩ một chút rồi cố gắng trả lời nhẹ nhàng nhất có thể): Oh, vậy thôi anh cứ dọn tiếp đi, lát tìm tiếp.
Nói xong câu này thì mình thấy khá ổn vì mình đã cố gắng bình tĩnh, không la toáng lên vì có khả năng lạc mất chiếc bông tai của đôi bông duy nhất mình mang theo ><.
Nhưng chồng mình vẫn có vẻ còn rất khó chịu. Mình có thể cảm nhận điều đó từ ánh mắt và cử chỉ của chồng.
Trong một phút tiếp theo, mình cố gắng rà soát lại những dữ kiện về sự việc vừa xảy ra và những trải nghiệm trong quá khứ của hai đứa. Mình dự đoán có 2 khả năng cho lý do đằng sau sự khó chịu này của chồng ngay cả khi mình đã chủ động bình tĩnh hơn. Mình không chắc là khả năng nào sẽ đúng nên mình chọn nói theo một khả năng hay xảy ra trước.
-Vợ: Em cảm thấy là hình như anh đang thấy khó chịu vì anh làm rớt bông tai của em đúng không? Em không trách anh vì em thấy đúng là em để ở chỗ hơi khó thấy thật. Nên anh không cần thấy tội lỗi hay tự trách bản thân.
-Chồng: Khó chịu thì không hoàn toàn đúng, anh thấy thất vọng, anh nghĩ chắc anh không tìm lại được cái bông tai còn lại rồi. Nhưng như vậy cũng không phải đầy đủ hết.
-Vợ: Vậy ngoài cảm giác thất vọng ra thì có phải là anh cũng đang thấy giận vì em để đồ lung tung và thường anh là người phải đi tìm cho em đúng không?
-Chồng (giọng nói trở nên tươi sáng hẳn ra nhưng vẫn còn đâu đó sự khó chịu): Đúng, đúng vậy!
Tự nhiên tới đây trong lòng mình dâng lên một cảm xúc cực kì phức tạp. Từ vai người đang cố gắng lắng nghe thấu cảm với sự bình tĩnh, bỗng nhiên mình cũng thấy khó chịu vì cảm giác bị phê bình. Suy nghĩ một lúc, mình nhận ra là dường như việc phê bình này có gì đó không hợp lý. Mình mất khoảng 15 giây để rà soát lại suy nghĩ và “bắn” một tràng dài với tone giọng hơi căng một chút vì cảm xúc bắt đầu xen lẫn lý trí:
-Vợ: Từ trước đến nay lúc nào đi chơi em cũng để bông tai vào một góc như vậy và em chưa thấy có tình huống anh làm rớt bông tai của em như thế này, nên em đã nghĩ là nó ổn. Không phải là em để đồ lung tung, em có suy nghĩ khi quyết định để ở trong góc bàn nhưng với em đó là chỗ hợp lý nhất trong phòng này rồi và em không nghĩ ra được chỗ nào tốt hơn. Nếu anh nghĩ được chỗ nào tốt hơn thì anh đề xuất thử còn em chưa nghĩ ra.
-Chồng (đã trở nên bình tĩnh hơn): Anh bắt đầu thấy quá tải khi nghe giọng em như vậy… Anh hiểu em nói gì và hiểu là em cần tìm phương án khác.
-Vợ: Đúng.
-Chồng: Anh thấy thế này, từ lần sau anh thấy em nên lấy cái cốc giấy hay ly nước trong phòng để riêng một góc chứ đừng để ở ngoài nữa, được không?
Mình suy nghĩ mấy giây, hít thở một chút, và thấy đó cũng là một phương án hợp lý mà trước đó mình không nghĩ đến. Mình thấy nhẹ nhõm hơn vì chồng đã có vẻ hiểu là cái mình cần là giải pháp cụ thể về nơi để đồ hợp lý hơn chứ không phải là mình “vô tri”, để đồ linh tinh mà không suy nghĩ. Do vậy, mình cũng thấy ổn và nhẹ giọng xuống:
-Vợ (nhẹ giọng xuống): Okie anh.
Hai đứa lục đục dọn dẹp đồ tiếp.
Yeah! Vậy là bọn mình đã thành công né được một trận bão trước đây có thể trở nên rất kinh khủng rồi.
-----
PHIÊN BẢN BÃO TÁP
Hãy thử tưởng tượng ở một vụ trụ khác, cùng một tình huống đó nhưng nếu không thật sự nỗ lực thì chuyện gì đã có thể xảy ra nhé:
-Chồng (mắt vẫn đang tìm kiếm): Anh nghĩ anh vừa làm rớt một chiếc bông tai của em rồi. Anh đang dọn đồ trên bàn mà anh nghe thấy tiếng nó rớt đâu đó mà giờ anh không tìm thấy.
-Vợ (trợn tròn mắt, giọng hoảng hốt): Trời, em có một đôi bông tai duy nhất đó cho cả chuyến đi này thôi á. Em để trong góc vậy rồi sao anh đụng vào chi cho rớt!
-Chồng (với một tone giọng khó chịu 100%): Chịu!
-Vợ (bắt đầu tức giận): Anh nói gì vậy? Chịu là sao? Anh làm rớt đồ của em rồi mà còn nói vậy là sao?
-Chồng (bắt đầu lớn tiếng): Em có thấy là em để bông tai ở chỗ như vậy, nó nhỏ xíu như vậy thì ai mà thấy được không? Anh quá chán chuyện lần nào cũng phải đi tìm đồ cho em rồi!!!
-Vợ (giọng run run): Anh nói vậy nghĩa là sao, nghĩa là em vứt đồ lung tung á hả? Vậy ai là người đi du lịch bị mất bóp tiền? Ai là người để quên balo trên tàu? Anh cũng như vậy sao lại nói em?
-Chồng (im lặng, quay đi): Em nói chuyện vậy thì anh không nói nữa.
-Vợ (tức tối hơn bao giờ hết): Em nói có gì không đúng sao????
Không gian chìm vào sự im lặng…
----
Như vậy, NVC hay GIAO TIẾP PHI BẠO LỰC LÀ GÌ mà có thể biến một cuộc trò chuyện có thể bão táp như vậy trở nên bình yên hơn?
NVC là một phương pháp, ngôn ngữ giao tiếp được phát triển bởi TS. Tâm lý học Marshall Rosenberg.
Nghe đến chữ “bạo lực” thì có thể mọi người sẽ thắc mắc là “Tôi có bạo lực đâu mà phải học về phi bạo lực!!?”.
Trong NVC, bạo lực không có nghĩa đơn thuần là bạo lực về mặt thể chất mà còn là những câu nói, hành vi, cử chỉ gây ra những tổn thương về mặt tinh thần, mang lại những cảm giác như buồn bã, tủi hổ, căng thẳng, tức giận.
Cùng phân tích một chút phiên bản thứ hai, phiên bản “bão táp” của tình huống chiếc bông tai trên nhé.
Chỉ thông qua một vài câu nói thôi nhưng những nếu nhìn sâu hơn vào những hàm ý đằng sau thì có thể thấy tụi mình đã có thể “bạo lực” với nhau tới mức độ như thế nào: Mình đã có thể công kích chồng mình vì kém khả năng quan sát, kém ý tứ không thấy đồ mình để đó. Chồng mình đã có thể công kích mình, phê bình mình là người chuyên để đồ lung tung không biết suy nghĩ, cũng không cảm thông với việc mất mát hiện tại của mình. Mình lôi những sai lầm trong quá khứ của chồng ra để bảo vệ bản thân. Chồng mình phản đối cách nói chuyện của mình và từ chối giao tiếp tiếp tục vì thấy không có sự hợp tác và bị tấn công. Mình thì cực kỳ khó chịu vì chồng mình không chịu giải quyết vấn đề triệt để mà lại trốn tránh một lần nữa.
Tất cả những điều này gợi lên những cảm xúc rất tiêu cực. Trong mắt người này người kia trở nên ngày càng tệ hơn. Bản thân mỗi người lại cảm thấy bất bình vì thấy mình không tệ như cách người kia đang mô tả.
Đến cuối cùng, ai trên mình cũng mang đầy những vết thương. Và hoặc là muốn chiến đấu tới cùng (fight), hoặc là muốn trốn chạy khỏi cuộc nói chuyện (flight), hoặc là sốc đến nỗi không biết phải phản ứng ra sao (freeze).
NVC được ra đời để tránh những cuộc giao tiếp bạo lực và bão táp này dựa trên bốn thành tố cơ bản: Quan sát, Cảm xúc, Nhu cầu và Đề nghị.
Tư tưởng cốt lõi của NVC chính là tất cả những lời nói, hành động, biểu hiện của một người đều ẩn sâu dưới đó là những cảm xúc cần được ghi nhận và những nhu cầu cần được đáp ứng.
Giao tiếp theo NVC là quá trình mỗi người tự QUAN SÁT những sự việc đã diễn ra mà không đi kèm với đánh giá/phê phán, xác định CẢM XÚC, NHU CẦU của mình,, THẤU CẢM với những cảm xúc, nhu cầu của người khác. Từ đó, cùng nhau đưa ra những ĐỀ NGHỊ hành động để có thể đáp ứng được nhu cầu của cả hai bên, dựa trên sự đồng thuận thay vì mỗi người bám chấp lấy ý muốn ban đầu của mình.
TS. Marshall Rosenberg tin rằng là con người, chúng ta đồng điệu và giống nhau ở những nhu cầu, ví dụ như muốn được yêu thương, muốn có sự tự do, muốn có sự an toàn, muốn cảm thấy mình có năng lực, muốn được chấp nhận, được thuộc về. Chúng ta chỉ khác nhau bởi cách ta lựa chọn để đáp ứng những nhu cầu này.
Xã hội và nền giáo dục truyền thống dạy chúng ta một thứ NGÔN NGỮ “bạo lực” và “tuyệt vọng” để đạt được nhu cầu của mình. Vì thế, cho dù trong sâu thẳm chúng ta đều muốn những điều giống nhau nhưng khi giao tiếp, có vẻ lại quá khác nhau và không thể hòa hợp.
TS Marshall cũng tin rằng lòng trắc ẩn, mong muốn được cho đi cũng là nhu cầu rất tự nhiên của một người khi người đó nhận được đủ sự trắc ẩn và thấu cảm.
Khi sử dụng NVC để hiểu về những cảm xúc, nhu cầu của nhau, chấp nhận những nhu cầu của nhau như một SỰ THẬT đang sống trong mỗi người, chúng ta có khả năng cho nhau rất nhiều thứ. Để đến cuối cùng, mỗi bên đều có thể đạt được điều mình cần một cách “phi bạo lực”, không làm nhau tổn thương.
----
NVC CÓ KHÓ KHÔNG?
Sau một thời gian học tập và thực hành NVC, mình thấy đây là một tiếp cận vừa dễ nhưng cũng vừa khó. Dễ vì triết lý của NVC khá đơn giản. Cái khó nằm ở chỗ nếu coi NVC là một loại ngôn ngữ thì trong suốt phần lớn cuộc đời, chúng ta đang nói một thứ ngôn ngữ khác hoàn toàn và đã quá quen với cách nghe và cách nói này.
Vì vậy, để thực hành được một cách thuần thục và biến ngôn ngữ NVC trở thành một phần tự nhiên của cuộc sống đòi hỏi rất nhiều sự vận động, chuyển hóa, lật mở dần những góc khuất trong tư duy và cảm xúc của mỗi người. Cần rất nhiều sự luyện tập trong từng lời nói, cử chỉ, và cần cả sự dũng cảm.
----
Thật ra mình rất hài lòng về giai đoạn “khắc khẩu” đã qua của mình và chồng mình vì tụi mình chưa bao giờ bỏ cuộc và luôn cố gắng nhìn thấy nhau qua “lăng kính của cảm xúc và nhu cầu”.
Tụi mình đã cố gắng thử nghiệm nhiều giải pháp để mang lại cho nhau sự bình yên hơn. NVC chính là một giải pháp mà tụi mình đã tìm kiếm, rèn luyện cùng nhau và đang thấy rất hiệu quả để “cứu” và duy trì mối quan hệ với nhau.
Thật sự những lần “cãi nhau” ban đầu rất căng thẳng vì sự thấu hiểu còn chưa sâu. Nhưng khi từng mối gúc mắt được tháo gỡ thay vì chồng lấn, đan cài vào nhau, thì mọi chuyện dần trở nên dễ dàng hơn. Không phải lúc nào những cuộc giao tiếp cũng hoàn toàn êm dịu và thuận lợi. Nhưng cả hai đều dần tin tưởng hơn vào mối quan hệ của mình, sống với nhau bằng con người thật và cảm thấy đủ ổn để bước tiếp cùng nhau.
- Linh Ho -
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ Giáo dục học tại Vương Quốc Anh
Hôm rồi em đọc Phần 3 trước, nay mới có dịp đọc Phần 1. Đúng vậy ạ, khi chúng ta nói chuyện, dường như trong tất cả các mối quan hệ, những tưởng là vô hại nhưng thật ra lại vô cùng là bạo lực. Em chưa đọc nghiên cứu của tác giả Rosenberg nhưng em nghĩ bước 1 (hoặc chính xác hơn là bước Zero) để tiến tới NVC chính là khả năng nhận diện ra một cuộc giao tiếp tàn khốc, tốt hơn nữa là trước khi nó xảy ra. Để làm được điều này em nghĩ mình phải cực kỳ tỉnh thức, chứ không là lại bị cuốn theo cảm xúc/ thói quen và vọt miệng ra những lời toàn gai nhọn :(