Sự khác biệt giữa Mệnh lệnh và Đề nghị - Giao tiếp phi bạo lực | Giao tiếp trắc ẩn (P.5)
Bạn có thể thay đổi được người khác không?
Trong nhiều quyển sách self-help và một số khóa học hiện nay về “chữa lành” đang tồn tại một thông điệp mình thấy rất đáng lo ngại: Bạn không thể thay đổi người khác mà chỉ có thể thay đổi chính mình.
Một cô gái mới bước vào hôn nhân sẽ được rất nhiều các chị, các mẹ căn dặn rằng: Con đừng nghĩ con có thể thay đổi được chồng của mình. Đó chỉ là mơ mộng và ảo tưởng!
Thông điệp này nghe qua có vẻ rất văn minh, tiến bộ, giúp giải thoát bản thân mình khỏi những kỳ vọng không hợp lý về người khác, trở nên độc lập, tự chủ hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, rất nhiều người vận dụng thông điệp này theo 3 cách sau đây:
Khi tôi không hài lòng về một ai đó và tôi nghĩ là tôi không thể thay đổi được họ, cho nên tôi:
1) Chờ họ tự nhận ra vấn đề và thay đổi
2) Cố gắng chấp nhận tình hình và tự mình xoay sở
3) Kết thúc mối quan hệ
Cả ba cách hành động này đều có một “lợi ích” chung đó là: Không cần phải giao tiếp, đối thoại: hoặc là họ tự thay đổi hoặc là tôi tự thay đổi cảm xúc và hành vi của mình.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có những cuộc tranh luận, cãi vã mệt mỏi, không có những lời nói làm tổn thương nhau.
Chúng ta chấp nhận, tôn trọng nhau như phiên bản hiện tại của mỗi người và nếu không chấp nhận được thì chúng ta rời xa nhau. Đơn giản như vậy và cuộc sống sẽ rất nhẹ nhàng. Không ai ràng buộc, kiểm soát ai.
Tuy nhiên, thực tế thì trong các mối quan hệ, đặc biệt là những mối quan hệ thân thiết như gia đình, cách làm này trở nên cực kỳ khó khăn và tạo nên những môi trường không lành mạnh.
-------
TRÒ CHƠI CÓ TỔNG BẰNG KHÔNG
Ngay cả với những người thân thiết nhất với chúng ta, những đứa trẻ mà chúng ta tự tay nuôi dưỡng hay những người mà chúng ta tự chọn lựa để trở thành người yêu hay vợ/chồng của mình thì vẫn luôn có rất nhiều những ý muốn trái ngược nhau diễn ra hằng ngày.
[Tối nay anh muốn đi ăn lẩu còn em muốn đi ăn cơm tấm. Mẹ muốn con dọn dẹp phòng ngay còn con thì chỉ muốn chơi game. Em muốn anh dành thêm thời gian đi chơi với gia đình còn anh muốn dành thời gian để đi gặp gỡ đối tác, phát triển sự nghiệp của mình. Ba muốn con học piano còn con chỉ thích học đánh trống.]
Trong thế giới của những ý muốn này, đến cuối cùng sẽ luôn là một trò chơi thắng-thua có tổng bằng 0 (zero-sum game). Hoặc là nghe theo ý của tôi, hoặc là nghe theo ý của bạn, hoặc chúng ta ngừng trò chơi này tại đây và mỗi người làm theo ý thích của mình. Sẽ luôn luôn có ít nhất một người thua cuộc.
Trong thế giới của những ý muốn này, mà về bản chất theo Tiến sĩ Tâm lý Marshall Rosenberg gọi, đó là thế giới của những MỆNH LỆNH (Demand), các mối quan hệ trở thành những cuộc chiến giữa mệnh lệnh của người này và mệnh lệnh của người khác.
Và khi đưa ra mệnh lệnh, chúng ta sợ hãi bị từ chối. Khi bị từ chối, chúng ta hoặc là từ bỏ điều chúng ta muốn, hoặc là từ bỏ điều người khác muốn, hoặc chúng ta từ bỏ mối quan hệ của cả hai.
------
Ý MUỐN GIỐNG NHƯ MỘT CỦ HÀNH
Trong thế giới của NVC (Giao tiếp Phi Bạo Lực | Giao tiếp Trắc ẩn), trong thế giới của những NHU CẦU thì khác, chúng ta không cần phải chiến đấu với nhau, không cần sợ hãi việc bị từ chối và không cần phải từ bỏ chính mình, từ bỏ người khác hay từ bỏ nhau.
Hãy hình dung những gì chúng ta muốn như một củ hành.
Lớp ngoài cùng là những ý muốn mà chúng ta thường nói với nhau: ăn lẩu hay ăn cơm, dọn dẹp phòng hay chơi game, đi chơi với gia đình hay đi giao thiệp, học piano hay học trống.
Chúng ta rất khó để đồng tình với nhau ở lớp ngoài cùng này.
Nhưng khi lột dần lớp vỏ này ra thì sâu bên trong của từng ý muốn này là những nhu cầu rất hợp lý mà chúng ta luôn có thể đồng tình với nhau.
Lấy ví dụ về việc dọn dẹp phòng. Khi mẹ nói với con rằng: “Con dọn dẹp phòng ngay đi!” thì đằng sau đó là nhu cầu về sự trật tự, nhu cầu về sự an tâm, nhu cầu về việc được lắng nghe, được tôn trọng của mẹ.
Khi con nói với mẹ rằng: “Không! Con đang chơi game!”, thì đằng sau đó là nhu cầu về việc vui chơi, về không gian, về sự tin tưởng, về sự tự do, tự chủ của con.
Nhưng chúng ta thường không giao tiếp với nhau bằng NGÔN NGỮ CỦA NHU CẦU mà chỉ giao tiếp với nhau bằng MỆNH LỆNH, bằng những ý muốn bên ngoài.
------
LUÔN CÓ NHIỀU HƠN MỘT CÁCH THỨC
Có nhiều CÁCH THỨC (Strategy) khác nhau để đáp ứng một NHU CẦU.
Nhưng đáng tiếc là chúng ta thường chỉ suy nghĩ theo một cách thức duy nhất, đưa ra mệnh lệnh và BÁM CHẤP lấy cách thức này cho đến cuối cùng.
Để đáp ứng nhu cầu về sự trật tự của người mẹ có những cách thức nào?
Ví dụ như mẹ và con cùng nhau dọn dẹp, dọn dẹp sau 10 phút nữa, dọn dẹp sau khi con chơi xong, dọn một phần của căn phòng và dọn tiếp phần còn lại vào ngày mai, dọn những thứ làm căn phòng lộn xộn nhất và để yên những thứ còn lại không quá quan trọng.
Nhưng người mẹ quyết định chỉ đưa ra một mệnh lệnh duy nhất: “Con dọn dẹp phòng ngay đi!”.
Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với nhu cầu của đứa con về sự tin tưởng, tự do và tự chủ. Ngay cả khi đứa con có ý thức được rằng nên dọn dẹp phòng, con cũng hình thành cảm giác muốn kháng cự và nói: “Không” ngay lập tức.
Trong một tình thế giằng co như thế này, rõ ràng lời khuyên từ những quyển sách self-help có vẻ như thật hữu ích: Đừng trông mong gì con sẽ thay đổi cái sự lười biếng và ngang bướng của mình. Mẹ không thích nhà cửa bừa bãi, mẹ tự đi dọn, không có gì tranh cãi.
Nhưng thực tế là khi mẹ bắt đầu dọn vào những đồ đạc riêng tư của con thì con nổi nóng lên vì thấy bị xâm phạm vào quyền cá nhân và yêu cầu mẹ ra khỏi phòng, đóng sầm cửa lại.
Những sự việc như thế này nếu tiếp tục chồng chất lên nhau và ngày càng nghiêm trọng, không sớm thì muộn, con cũng muốn ngắt kết nối với mẹ, tìm cho mình một không gian riêng, không cần cãi nhau mãi với mẹ vì tin là mẹ không bao giờ có thể thay đổi để hiểu được con cần gì.
------
Nếu không đưa ra MỆNH LỆNH và cũng không MẶC KỆ nhau thì ta sẽ nói gì với nhau?
Ta sẽ đưa ra ĐỀ NGHỊ (Request)
Đề nghị là việc ta nói rõ với người khác về cảm xúc, nhu cầu của mình, gợi ý một cách thức để đáp ứng nhu cầu và sẵn sàng thảo luận về những cách thức khác nhau để đáp ứng nhu cầu đó.
Thay vì mẹ ra lệnh cho con rằng: “Con dọn dẹp phòng ngay đi!”, thì mẹ đề nghị: “Hôm nay mẹ cảm thấy mệt và lo âu, mẹ có một nhu cầu về việc nhìn thấy mọi thứ trong nhà có sự trật tự, mẹ muốn an tâm là con hay những thành viên khác trong nhà sống trong một không gian sạch sẽ và thoải mái. Mẹ đề nghị là con dọn phòng của mình được không?”
Cách nói này giúp người con hiểu được rõ ràng rằng đằng sau việc mẹ mình muốn mình dọn phòng là nhu cầu gì, đồng ý với những nhu cầu đó và mở ra nhiều khả năng để con suy nghĩ xem có thể giúp mẹ đáp ứng nhu cầu này như thế nào mà vẫn đáp ứng được những nhu cầu hiện tại của mình.
Con có thể nói lại: “Hiện tại con đang bận và cần thêm thời gian để chơi xong ván này nhưng sau khi con chơi xong con dọn dẹp có được không mẹ?”
Người mẹ suy nghĩ và thấy rằng cách làm này vẫn có thể đáp ứng nhu cầu của mình, còn việc làm ngay lập tức hay không thật sự không quan trọng đến vậy cho nên mẹ đồng ý với con.
Mẹ và con “cùng thắng” vì nhu cầu của ai cũng được đáp ứng, đặc biệt là nhu cầu được lắng nghe và tôn trọng.
------
Với cùng một tiếp cận như vậy, nhiều người thực hành NVC và bản thân mình đã giải quyết được những “mâu thuẫn”, những khác biệt rất lớn với những người xung quanh.
Trong hành trình đó, mỗi người đều có sự thay đổi khác hẳn với điểm xuất phát ban đầu. Mỗi người đều trở thành phiên bản hòa hợp hơn với nhau nhờ có sự đồng hành, đối thoại cùng nhau.
Khi mình có một nhu cầu chưa được đáp ứng, đặc biệt vì người khác làm một điều gì đó ảnh hưởng đến mình, mình tập thói quen không chấp nhận, cũng không rời đi mà kết nối với cảm xúc và nhu cầu của mình và tìm một thời điểm thích hợp để đưa ra đề nghị.
Tạo nên sự thay đổi với chính mình và với thế giới xung quanh là một ưu thế tiến hóa độc đáo của loài người, đừng từ bỏ khả năng này chỉ vì bạn không muốn hoặc ai đó nói với bạn rằng bạn không thể/không nên làm điều đó, quan trọng là cách làm.
Dù có khó, nhưng là có thể.
- Linh Hồ -
Tiến sĩ Giáo dục học
🌻 Chúng ta rất khó “mặc kệ nhau” vì cuộc sống của chúng ta gắn kết với nhau theo những mối dây rất phức tạp. Hầu như những gì người khác làm, đặc biệt là những người thân thiết, tương tác với chúng ta hằng ngày luôn ảnh hưởng đến ta rất nhiều. Cách “mặc kệ” hiệu quả và triệt để thật sự là chấm dứt mối quan hệ, hoặc dù nhìn bề ngoài mối quan hệ vẫn còn nhưng bên trong thì như một cái cây đã không còn sự sống nữa.
Khi ta nói CHẤP NHẬN nhau, cách hiểu đúng là chấp nhận những [cảm xúc và nhu cầu] của nhau, xem những cảm xúc và nhu cầu đó là hợp lý. Nhưng ta không cần phải chấp nhận những [mệnh lệnh] của nhau.
Khi ý muốn của ai đó làm cho những nhu cầu của bạn không được đáp ứng, bạn không cần phải chấp nhận điều đó mà có thể đưa ra những [đề nghị] để thay đổi tình hình.
Đề nghị mở ra những khả năng, còn mệnh lệnh thì không.
Em thích bài viết này ạ <3