Khi tham dự cuộc thi Miss Universe 2024, Kỳ Duyên nói rằng: “Sự thật là đến tận bây giờ tôi chưa đọc hết một cuốn sách nào bởi vì tôi là một người thực tế, tôi thích trau dồi kiến thức của mình thông qua hình ảnh và âm thanh”.
Đáng tiếc là sau câu nói này thì Kỳ Duyên đã không làm rõ thêm được quan điểm đã nêu ra. Nhưng mình đoán rằng có lẽ đâu đó Kỳ Duyên đã nghe được ý tưởng rằng mỗi người có một cách thức học tập, tiếp thu kiến thức khác nhau.
Quan điểm này xuất phát từ mô hình được đề xuất bởi một số học giả và được phát triển hoàn chỉnh hơn bởi Neil Fleming. Mô hình tên là VARK, phân loại 4 loại PHONG CÁCH HỌC TẬP chính (Learning styles):
V (Visual) – Hình ảnh
A (Auditory) – Âm thanh
R (Read/Write) – Đọc/viết
K (Kinesthetic) – Vận động/ Xúc giác
Quan điểm cơ bản của mô hình này là mỗi cá nhân có một phong cách học tập hay cách thức tiếp thu thông tin hiệu quả nhất. Việc giảng dạy/ học tập phù hợp với phong cách đó sẽ giúp cải thiện kết quả học tập. Nhiều người ủng hộ quan điểm này tin rằng phong cách học tập là bẩm sinh, không thay đổi theo thời gian và bối cảnh.
Ví dụ, nếu một người học thiên về hình ảnh, họ sẽ luôn tiếp thu kiến thức tốt hơn khi được truyền đạt qua biểu đồ, tranh ảnh hoặc video. Nếu một người thiên về học qua âm thanh, việc thảo luận hay nghe bài giảng sẽ hiệu quả hơn đối với họ.
Những người thiên về đọc/viết học hiệu quả hơn khi đọc tài liệu, viết ghi chú. Còn những người thiên về vận động thì nên học thông qua thực hành.
Trên bề mặt, ý tưởng này có vẻ rất hợp lý và nhân văn: mỗi người đều khác biệt và có cách tiếp thu kiến thức riêng. Nếu có thể xác định được phong cách học tập của từng cá nhân, chúng ta có thể cá nhân hóa quá trình giảng dạy, từ đó nâng cao hiệu quả học tập.
Đây cũng là một ý tưởng đơn giản, dễ tiếp cận nên đã được lan truyền rộng rãi trên toàn thế giới.
Mặc dù có vẻ hấp dẫn, liệu mô hình nó có thực sự đúng và hữu ích?
1) THIẾU CƠ SỞ BẰNG CHỨNG KHOA HỌC
VARK hoặc phiên bản trước đó là VAK một trong những mô hình lý thuyết bị chỉ trích nhiều nhất vì thiếu bằng chứng thuyết phục.
Các nghiên cứu ban đầu về VARK thường dựa trên các kết quả tự đánh giá của người học, nhưng những kết quả này không đáng tin cậy để rút ra kết luận về hiệu quả của việc học theo phong cách cá nhân.
Các thí nghiệm khoa học nghiêm ngặt hơn cho thấy rằng việc dạy và học theo phong cách học tập của người học không mang lại cải thiện đáng kể về kết quả học tập. Một người có thể học tốt bằng phong cách này với nội dung học này nhưng với nội dung học khác thì trở nên không hiệu quả. Có bằng chứng cho thấy người học có lúc còn có thể tiếp thu tốt hơn khi sử dụng phong cách khác với phong cách mà họ cho là phù hợp nhất.
Các nghiên cứu cho thấy có nhiều yếu tố khác quan trọng hơn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập, chẳng hạn như động lực của người học, kiến thức nền tảng, và trạng thái cảm xúc khi học tập. Trong khi đó, cách thức truyền tải thông tin như trong mô hình VARK không có tác động đáng kể đến kết quả học tập.
Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu xem "phong cách học tập" theo mô hình VARK chỉ là một Huyền Thoại (Myth), không có cơ sở khoa học vững chắc.
2) NGUY CƠ BỊ ĐÓNG KHUNG BỞI "NHÃN DÁN PHONG CÁCH"
Các mô hình phân loại con người, dù là về tính cách hay cách thức học tập, đều có hai mặt. Một mặt, nó có thể giúp chúng ta tôn trọng sự khác biệt và tính cá nhân. Do đó việc phân loại có thể rất hữu ích. Tuy nhiên, mặt khác, một mô hình quá đơn giản và không đủ sức mạnh giải thích có thể tạo ra những khuôn mẫu cứng nhắc.
Chẳng hạn, khi một người tự nhận mình thuộc phong cách học tập hình ảnh hoặc âm thanh, họ có thể từ chối việc đọc vì nghĩ rằng việc này không phù hợp với họ. Điều này có thể khiến họ bỏ lỡ những cơ hội học tập quan trọng thông qua đọc, vốn là một kỹ năng cần thiết trong nhiều lĩnh vực học tập và công việc.
Khi người học quá tập trung vào một cách tiếp nhận thông tin, họ có thể trở nên phụ thuộc vào một cách học, kháng cự những cách học khác, dẫn đến "lời tiên tri tự ứng nghiệm" (self-fulfilling prophecy) rằng họ chỉ học tốt theo một cách duy nhất và ngày càng tin vào điều đó.
Từ góc độ giáo viên, việc chỉ dạy theo phong cách học tập của học sinh là một thực hành đáng lo ngại. Hạn chế phương pháp truyền tải thông tin, chẳng hạn như chỉ sử dụng video cho học sinh thiên về hình ảnh, chỉ cung cấp tài liệu đọc cho học sinh thiên về đọc/viết hoặc chỉ cung cấp bài giảng âm thanh cho học sinh thiên về âm thanh, có thể dẫn đến việc người học bỏ lỡ cơ hội tiếp cận kiến thức theo nhiều cách khác nhau.
Nhiều phụ huynh cũng có thể đang chi tiền cho những dịch vụ và chương trình để tìm ra phong cách học tập cho con và theo đuổi nó nhưng không thật sự hiểu rõ về tác động của quan điểm này.
➡️ Thay vì dán nhãn cho bản thân mình hay cho người khác với một phong cách cố định, các nhà nghiên cứu về vấn đề này khuyên rằng chúng ta nên đa dạng hóa cách tiếp cận và truyền tải thông tin.
Mỗi phương thức tiếp nhận thông tin đều có ưu và nhược điểm trong những bối cảnh khác nhau. Do đó, không nên thu hẹp lại mà hãy giúp người học mở rộng cách học tập, linh hoạt thử nghiệm để tìm ra cách học tốt nhất, hoặc kết hợp nhiều cách học khác nhau cho mỗi tình huống học tập.
➡️ Quay lại với câu trả lời của Kỳ Duyên. Mình rất ấn tượng với vẻ đẹp, sự nỗ lực của Duyên trong tập này. Nhưng việc Kỳ Duyên lý giải rằng bạn không thích đọc sách vì có những cách tiếp thu tri thức mà bạn ấy thấy thích hơn, và nhận định rằng đó là những cách học của một người “thực tế” thì thật sự là một lập luận cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Xin chia sẻ một chút từ góc độ chuyên môn về câu chuyện đang được bàn luận rất sôi nổi này với mọi người. Các tài liệu tham khảo và một số quan điểm, ví dụ mở rộng khác, mời mọi người xem thêm ở phần bình luận.
- Linh Hồ - The Marveller
Tiến sĩ Giáo dục học
Xin gửi mọi người một số tài liệu tham khảo về chủ đề này :
1) https://www.apa.org/.../rele.../2019/05/learning-styles-myth
2) https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/00091383.2010.503139?needAccess=true&fbclid=IwY2xjawFAn3tleHRuA2FlbQIxMAABHXIymcQEyJzM9JeiKWLz3ea2rjX7Q4HHiTJRpV0DSCukzdpzhIkg97Q7zg_aem_9StgaXHQcSnDc6iTTf00Mg
3) https://onlineteaching.umich.edu/articles/the-myth-of-learning-styles/?fbclid=IwY2xjawFAn5lleHRuA2FlbQIxMAABHfMPmy_DvnSmBjehu2c7AmOXaoI9rGIkXwQHe2ho0cFElTIoXfWsh_qMvQ_aem_uVuKYhtSg2odgKXfP74t4w
Một ví dụ về việc thay vì sử dụng ý niệm về phong cách học tập thì chúng ta nên cố gắng đa dạng hóa cách thức tiếp cận thông tin cho tất cả các học sinh: chẳng hạn, trong một lớp học lịch sử, người học có thể tiếp cận thông tin theo nhiều cách:
- Thông qua hình ảnh: Bằng cách xem các bản đồ, tranh vẽ, hoặc tài liệu video về các sự kiện lịch sử.
- Thông qua âm thanh: Nghe các bản ghi âm hoặc podcast về các cuộc phỏng vấn hoặc bài giảng liên quan đến thời kỳ lịch sử hoặc thảo luận nhóm về một vấn đề cụ thể trong bài học.
- Thông qua trải nghiệm thực hành: Tham gia các hoạt động thực địa, đóng vai các nhân vật lịch sử.
- Thông qua đọc viết: Đọc sách, ghi chú, viết bài luận để phân tích sự kiện lịch sử.
Trong tình huống này, thay vì chỉ tập trung vào một phương thức học tập nhất định, người học có thể linh hoạt thử nghiệm các cách học khác nhau, từ đó tìm ra phương pháp kết hợp tối ưu phù hợp với từng loại thông tin và mục tiêu học tập. Ví dụ, học sinh có thể học tốt nhất qua hình ảnh khi nghiên cứu về địa lý của một khu vực, nhưng lại cần sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, tranh luận để hiểu sâu hơn về nguyên nhân của một cuộc chiến tranh.
Việc không thu hẹp bản thân vào một phong cách học tập duy nhất sẽ giúp người học trở nên linh hoạt hơn và có khả năng điều chỉnh phương pháp học tập tùy vào ngữ cảnh và loại thông tin mà họ đang tiếp cận.