Bài học từ giáo dục Phần Lan (P.1)
Việt Nam sẽ không bao giờ học được bí quyết thành công của Phần Lan?
Kể từ ngày hôm nay, mình bắt đầu hành trình tìm hiểu về Giáo dục mầm non tại Phần Lan - đất nước được xem là hạnh phúc nhất thế giới và là nơi thực hiện đặc biệt thành công nhiều mô hình giáo dục tiến bộ.
Sự thật là ngày đầu tiên tìm hiểu về Giáo dục mầm non tại Phần Lan đã để lại trong mình khá nhiều băn khoăn. Trước ngày hôm nay, mình đã kỳ vọng rằng giống như những chuyến đi trước, mình sẽ học được thêm nhiều điều mới mẻ, biết thêm những tư duy và những cách làm giáo dục mới mẻ. Mình đã nghĩ rằng sau khi học được những điều mới ấy chắc hẳn mình sẽ thấy rất vui và hào hứng. Nhưng không mọi người ạ, chiều nay mình thấy có chút thất vọng, vì mình hầu như không học được điều gì thật sự mới cả.
Điều duy nhất mình học được thì lại là một điều mà dường như không thể thực hiện được ở Việt Nam hay bất nơi đâu. Mình loay hoay với suy nghĩ đó suốt cả buổi chiều. Để mình kể mọi người nghe vì sao lại như thế.
Buổi sáng nay mình đến thăm trường mầm non tư thục Sirius theo tiếp cận Steiner tại thủ đô Helsinki. Đoàn mình dành cả buổi sáng để quan sát các em nhỏ chơi tự do ngoài trời trong khu vườn của nhà trường, tham quan các phòng học, lắng nghe và trò chuyện với cô giáo Tina, cũng là người sáng lập nên ngôi trường có tuổi đời 20 năm này. Buổi chiều, bọn mình được gặp gỡ với cô Viktoria, là một giáo viên mầm non tại Helsinki nhưng cũng có kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp tại Anh, tại Việt Nam và cũng là một người nghiên cứu về giáo dục.
Chủ đề nổi bật trong cả chương trình sáng và chiều đều xoay quanh bí quyết cốt lõi của hệ thống giáo dục tại Phần Lan, hay như cách Cô Viktoria gọi, “điều kỳ diệu của Phần Lan”, chính là: SỰ TIN TƯỞNG (Trust).
Chính phủ tin tưởng giáo viên. Phụ huynh tin tưởng giáo viên. Giáo viên tin tưởng học sinh. Học sinh tin tưởng giáo viên. Giáo viên tin tưởng phụ huynh. Giáo viên tin tưởng Chính phủ. Một vòng tròn của sự tin tưởng.
Thông điệp là: Khi ta trao đi sự tin tưởng, từ đó, trao cho con người sự tự do (Freedom), ta nhận lại những con người sống có trách nhiệm (Accountability).
Ở Phần Lan, một phần rất quan trọng trong thời gian đến lớp của học sinh là thời gian Chơi Tự do (Free-play). Khi chơi tự do, học sinh có thể tự chọn những hoạt động, học cụ, đồ chơi mà các em thấy hứng thú và sử dụng chúng theo cách mà các em mong muốn. Trong buổi sáng nay, khi vừa đến, cả đoàn đã rất ngạc nhiên khi quan sát thấy một em bé khá nhỏ nhưng đang ôm cả một vòng tay toàn những thanh gỗ rất to và dài gần bằng thân người em. Có lẽ em dùng những thanh gỗ này để xây dựng một công trình nào đó từ trong trí tưởng tượng của mình, hoặc chẳng để làm gì cả, chỉ đơn giản là vì em thích vận chuyển các thanh gỗ.
Buổi chiều cả đoàn đã thảo luận sâu hơn về chi tiết này và thống nhất rằng, ở đa số mọi nơi trên thế giới, hành động này của em bé sẽ không được cho phép. Giáo viên lo ngại em sẽ làm chính mình và người khác bị thương, lo ngại phản ứng của phụ huynh, và do đó, chắc chắn sẽ có ai đó chạy đến ngăn em bé lại.
Nhưng ở Phần Lan, trẻ em được phép có những giây phút “mạo hiểm” như vậy. Em bé có thể tự do mang những thanh gỗ to đi quanh sân. Nhưng sự tự do này đồng nghĩa với việc em cũng đang mang vác trên mình trách nhiệm về sự an toàn của chính mình và những người xung quanh. Khi em làm sai và thất bại, em sẽ phải nhận lấy những hậu quả tự nhiên (Natural consequences), và học được bài học sống có trách nhiệm từ những hậu quả này. Giáo viên, phụ huynh và xã hội chấp nhận những “cái giá phải trả” để sau này khi lớn lên, các em có thể trở thành những người lớn có trách nhiệm.
Tại Phần Lan, cũng như học sinh của mình, giáo viên cũng có rất nhiều sự tự do. Họ được tin tưởng là những người có hiểu biết, có năng lực và là những người tử tế. Giáo viên có rất nhiều sự tự chủ để quyết định các bài học và cách thức vận hành lớp học của mình. Cô Viktoria đưa ra một ví dụ rằng nếu hôm ấy có một bạn nhỏ kể rằng nhà em mới có một người thân vừa qua đời, cô giáo có thể đưa ra quyết định rằng bài học Toán hôm ấy sẽ tạm dừng lại, dời sang một ngày khác. Thay vào đó cả lớp sẽ trò chuyện và thực hiện các hoạt động để giúp em bé cảm thấy tốt hơn. Giáo viên được tin tưởng rằng họ sẽ luôn đưa ra những quyết định có ích cho học sinh của mình.
Phần Lan có Khung chương trình giáo Giáo dục mầm non chung cho toàn quốc, nhưng theo cô Viktoria, khung chương trình này rất đơn giản và linh hoạt, giáo viên mới là người quyết định học sinh sẽ học mọi thứ như thế nào. Chính nhờ có sự tin tưởng này, “làm giáo viên” trở thành một trong những công việc thú vị và hấp dẫn nhất tại Phần Lan. Giáo viên được sống là những con người tự do và sáng tạo. Cuộc sống của họ màu sắc, thú vị và hạnh phúc hơn rất nhiều so với những gì chúng ta thường nghĩ về công việc của một giáo viên: lặng lẽ, hy sinh, nhàm chán, gò bó.
Vậy thì nếu sự tin tưởng chính là bí quyết thành công của giáo dục Phần Lan thì câu hỏi quan trọng nhất chính là: Sự tin tưởng đến từ đâu?
Khi cố gắng trả lời câu hỏi, mình thoáng thấy có chút bối rối trên gương mặt của cô Viktoria. Cô cười nhẹ và bảo rằng với kinh nghiệm sống và làm việc của cô tại nhiều quốc gia trên thế giới thì “cách sống bằng Niềm Tin” này gần như là độc nhất chỉ có tại Phần Lan (hoặc theo như mình đã được biết trước đó, ít ra là của người dân các nước Bắc Âu).
Với mình, câu trả lời này có nghĩa là:
Bí quyết thành công của giáo dục Phần Lan chính là con người Phần Lan.
Khi kết nối lại những điều từ trước đến nay mình hiểu về giáo dục Phần Lan và những trải nghiệm trong cả ngày hôm nay, mình thấy rằng điều này có vẻ cũng khá hợp lý. Những gì Phần Lan đang làm thành công trong hiện tại đều không phải do người Phần Lan nghĩ ra. Họ làm những điều do người Mỹ, người Ý, người Áo, người Đức nghĩ ra. Chỉ có điều, họ làm những điều đó một cách thật sự hiệu quả.
Một chị học viên đặt câu hỏi ở gần cuối buổi: Thế cuối cùng thì phương pháp giáo dục ở Phần Lan là phương pháp gì?
Câu trả lời có lẽ là thật sự không có phương pháp giáo dục thuần Phần Lan. Người Phần Lan học hỏi tất cả những triết lý, mô hình và phương pháp giáo dục tiến bộ, hiệu quả trên thế giới và mang về đất nước họ. Sự khác biệt là với bất kì tiếp cận nào mà họ chọn, họ đều làm cho đến nơi đến chốn. Người Phần Lan làm chính xác những gì mà họ hướng đến. Nói được, làm được. Đó chính là bí quyết của sự thành công.
Trong hình dung của mình, điều này giống như việc ví Phần Lan là một khu vườn ươm nơi có những điều kiện thật sự lý tưởng và tuyệt vời. Do đó, bất kì hạt giống tốt nào được ươm trồng nơi đây cũng mang lại những hoa trái tươi ngon nhất, trở thành những phiên bản tốt nhất của chúng. Mặt khác, cũng có những môi trường, đáng buồn thay, bất kì hạt giống nào dù có tiềm năng đến mấy, khi được gieo xuống mảnh đất cằn cỗi, không đủ chất dinh dưỡng và không được chăm sóc đúng cách thì cũng không thể lớn lên xanh tươi. Bản thân cô Viktoria, theo mình hiểu, dù đã đi nhiều nơi nhưng cô quyết định ở lại Phần Lan vì chỉ có tại nơi đây, cô mới thật sự là phiên bản người giáo viên tốt nhất mà cô mong muốn.
Như vậy phải chăng bất kì ý tưởng giáo dục tốt đẹp nào chỉ cần vượt ra khỏi biên giới của đất nước Phần Lan đều sẽ trở nên không hiệu quả? Như vậy thì mình tiếp tục học về những điều tốt đẹp của giáo dục để làm gì nhỉ? Hiệu quả của việc vay mượn chính sách (Policy borrowing) thật sự rất đáng quan tâm.
Cụ thể về câu chuyện sự tin tưởng. Trong đầu mình cứ quẩn quanh một ý nghĩ: Thật dễ dàng biết mấy để tin tưởng một ai đó nếu mình biết họ có đủ năng lực và có đạo đức tốt. Nhưng ở một xã hội mà dường như có quá nhiều những người không đủ năng lực và không thật sự tử tế thì cơ sở nào cho sự tin tưởng? Sự tin tưởng vô điều kiện trong trường hợp này có phải là mù quáng và ngu ngốc không?
Nếu sự tin tưởng thật sự là bí quyết, là bước đầu tiên để tạo nên một nền giáo dục thành công, vậy phải chăng có những quốc gia mãi mãi không bao giờ có thể có một nền giáo dục tốt đẹp, vì sẽ chẳng bao giờ ta có thể bắt đầu bằng việc dành cho nhau sự tin tưởng tuyệt đối? Toàn bộ câu chuyện giống như nghịch lý về con gà và quả trứng. Không có quả trứng thì không thể có con gà và không có con gà thì làm gì có quả trứng. Như vậy, có phải là quá bế tắc không?
Thật may, đến cuối ngày, ít nhiều mình đã có vài ý tưởng để tìm được lối thoát trong tư duy cho vấn đề này. Nhìn chung, mình tin là đổi mới giáo dục không thể nào bắt đầu bằng sự tin tưởng được mà phải từ một điều khác. Và đây là điều mà cho dù bất kì quốc gia nào, dù cho có văn hóa như thế nào cũng có thể thực hiện được. Sự tin tưởng không thể từ trên trời rơi xuống, không thể nào là một thứ văn hóa “bẩm sinh”.
Và chính vì lý do này mà mình sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi con đường giáo dục và quay về Việt Nam để làm việc. Điều này thật sự quan trọng vì nếu không, tất cả những gì mà bản thân mình, hay những người có tâm huyết với giáo dục đang nỗ lực phải chăng là quá vô nghĩa sao?
Thế thì nếu không phải là sự tin tưởng thì là gì? Câu trả lời này mình sẽ dành thêm một vài ngày ở đây nữa để kiểm chứng và hy vọng đến cuối hành trình có thể chia sẻ cụ thể hơn. Trong khi đó, mình có một câu hỏi để mọi người suy nghĩ thêm: Tách ra khỏi giáo dục một chút, thì làm thế nào để mình tin tưởng một ai đó?
Ngày mai, mình sẽ tham quan thêm một trường mầm non khác và buổi chiều sẽ có một “chuyến phiêu lưu” trong rừng để tìm hiểu về các hoạt động trải nghiệm ngoài trời của học sinh. Hy vọng buổi tối vẫn đủ sức để viết và chia sẻ thêm với mọi người nhen!
-----------
21-08-2023
Linh Ho
-Nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ Giáo dục học tại Vương Quốc Anh-
Một lần nữa cảm ơn tác giả. Tôi cũng đang làm giáo dục tại VN và cũng vọng tìm ở giáo dục Phần Lan lời giải cho nhiều vấn đề. Bài viết đã cho thấy cốt lõi tạo nên sự thành công của GD Phần Lan và giúp hiểu hơn điều cần làm. Về chữ “niềm tin”, mạn phép đề xuất một phương pháp của Đức Phật trong việc tu tập, đó là “thiện xảo”. “Thiện xảo” có thể hiểu là “khéo kéo” và “kiên trì”. Bởi như chiếc xe đang lao với vận tốc lớn, bẻ lái hay thắng gấp chỉ làm xe lật nhào. Muốn làm sạch một con sông bị ô nhiễm thì không có cách nào khác ngoài “thiện xảo”. Chúng ta hãy khéo léo trao cho nhau từng niềm tin nhỏ. Rồi cùng nhau kiên trì mang đến kết quả, xây dựng niềm tin lớn dần. Xin chúc tác giả và cộng đồng vững vàng trên con đường “gạn đục khơi trong”.