Truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo có đang chết đi?
Bàn về chuyện bạo lực học đường của giáo viên và học sinh ở Tuyên Quang
Mình đã định không viết gì về sự kiện giáo viên và học sinh ở Tuyên Quang vừa qua vì đã có nhiều bài viết bàn luận rồi, và mình cũng không thấy có đủ thông tin về bối cảnh để có thể hiểu được câu chuyện một cách sâu sắc hơn. Tuy nhiên sáng nay mình nghe được phần bình luận của một vị Tiến sĩ trên sóng VTC làm mình thấy băn khoăn quá nên đành phải ghi lại một vài suy nghĩ về sự việc lần này.
Có lẽ không ai nhìn vào sự việc này mà không thấy hoang mang và buồn bã. Thật sự đây là một câu chuyện buồn và gây sốc. Yếu tố gây sốc nằm ở chỗ cả một tập thể học sinh có những hành vi “bạo hành” khá nghiêm trọng với giáo viên như chửi bới, ném dép và nhốt giáo viên.
Theo như TS được phỏng vấn thì những hành động này giống như việc “đạp đổ” đi truyền thống “tôn sư trọng đạo” lâu đời của văn hóa Việt Nam. TS đã nhấn mạnh như thế này, mình xin được trích nguyên văn:
“Tôi nghĩ rằng dẫu cô giáo có cái lỗi đi quá chuẩn mực gì đó thì học sinh không được phép làm thế. Bởi vì làm với cô giáo có nghĩa là làm với cha mẹ mình. Hằng ngày cha mẹ có thể mắng mình, có thể quá giới hạn khi mắng mình thế này thế kia nhưng không có nghĩa là mình sẽ phản ứng với cha mẹ giống như phản ứng với cô giáo. Đây là cái hành động giới hạn của văn hóa đạo đức. Văn hóa đạo đức quy định rằng đối với người trên dẫu người trên có thể quá đi một chút trong ngôn ngữ hoặc trong hành động thì mình cũng không được phản ứng một cách kiểu như thế…”
Chắc chắn mình hoàn toàn không ủng hộ hành vi của các em học sinh. Tuy nhiên phải nói thật là mình khá lo ngại với cách nói của TS đang được rất nhiều bình luận bên dưới video đồng tình.
Có lẽ đã dần qua rồi cái thời mà chỉ cần nói đơn giản với trẻ em rằng hãy tôn trọng một ai đó đi vì họ có quyền lực hơn, lớn tuổi hơn, có địa vị cao hơn và trông đợi rằng các em sẽ tuân theo điều này một cách vô điều kiện.
Vị thế của trẻ em ngày nay đã thay đổi, vì nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất có lẽ là vì các em đã biết nhiều hơn về thế giới xung quanh đủ để hiểu rằng có rất nhiều người lớn xung quanh sống theo những cách rất khác nhau, và bản thân các em có nhiều sự lựa chọn về cách sống, cách suy nghĩ nên không cần phải sợ hãi hay phụ thuộc quá nhiều vào bất kì ai.
Sự tôn trọng không còn là một cài đặt mặc định với những đứa trẻ nữa.
Việc chấp nhận cái tôi của mình bị hy sinh và đè nén cũng không còn là một cài đặt mặc định.
Mình đã chứng kiến một cô bé học lớp 3 đã nói rất rõ ràng trong sự phẫn uất rằng: "Con có ý muốn của con, tại sao con phải nghe theo ý muốn của người khác, ý muốn của con cũng phải được tôn trọng chứ?"
Mình không muốn đi xa hơn để nhận định rằng đây là một xu hướng tốt hay xấu, mà chỉ đơn giản muốn chỉ ra rằng đó là một xu hướng có thật và khả năng cao là nó sẽ ngày càng mạnh mẽ và phổ biến hơn.
Giáo viên không thể tiếp tục trông cậy và kỳ vọng vào việc vì mình là giáo viên nên khi bước vào lớp sẽ mặc định nhận được sự tôn trọng của học sinh. Nếu nghĩ như vậy, mình thấy giáo viên đang tự đẩy mình vào một tình thế nguy hiểm khi không có sự chuẩn bị sẵn sàng để đối diện với thực tế là giờ đây sự tôn trọng cần rất nhiều nỗ lực từ cả hai phía.
Chắc chắn sai cộng sai không thể thành đúng. Khi giáo viên hành xử sai, học sinh không thể hành xử sai theo, và các em cần phải hiểu rõ điều này.
Nhưng mình thấy cần phải cực kỳ cẩn trọng khi giải thích với học sinh vì sao các em lại không thể làm như thế. Nếu chỉ đơn giản “ném” vào học sinh bốn từ “tôn sư trọng đạo” và bắt các em phải chấp nhận điều đó, mình e là câu chuyện này sẽ không thể nào có một kết thúc tốt đẹp thật sự. Và nếu nhiều người lớn vẫn cứ giữ cách nghĩ như vậy thì có thể sẽ ngày càng có thêm nhiều câu chuyện đáng buồn nữa tiếp diễn trong tương lai.
Mình sẽ không bao giờ quên những trải nghiệm mà một cô giáo người Mỹ chuyên nghiên cứu và thực hành về Giáo dục Hòa nhập đã kể trong một hội thảo về Kỷ luật Tích cực mà mình đóng vai trò là phiên dịch cho cô. Cô kể rằng cô đã từng làm việc với rất nhiều những học sinh gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi và kết nối với người khác. Tuy nhiên, ngay cả với những trường hợp cá biệt nhất, cô vẫn có thể dần hình thành mối quan hệ tích cực với các em và nhận được sự tôn trọng của các em.
Và trong rất nhiều trường hợp, điều đầu tiên cô luôn làm là cúi mình thấp xuống, thậm chí quỳ xuống để tầm mắt cô ngang với tầm mắt các em và trò chuyện với các em ở một tư thế ngang bằng.
Sự kiện vừa rồi của cô giáo và học sinh ở Tuyên Quang đúng là dấu hiệu cho việc có vẻ truyền thống “tôn sư trọng đạo” đang dần c.hết đi thật.
Và thay vào đó, có lẽ, đã đến lúc có một truyền thống khác, một nguyên lý khác, một loại “đạo” khác có tính chất mở rộng hơn nên được hình thành.
“Đạo” này có vẻ đơn giản nhưng thực ra là thử thách hơn rất nhiều, cho cả giáo viên, học sinh và cả xã hội, đó chính là sự “Tôn trọng giữa người với người”.
-Linh Ho
[Nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ Giáo dục học tại Vương Quốc Anh]