Không gian lặng lẽ nói với ta điều gì? – Thiết kế Môi trường Vật lý trong giáo dục
10 vấn đề để hiểu về Giáo dục mầm non (P.8)
Khi gửi một đứa trẻ đến trường chúng ta mong đợi điều gì?
Mong em học được cách dùng muỗng đũa để ăn, học cách chờ đến lượt khi chơi, học cách tập trung vào những nhiệm vụ được giao, học cách hòa đồng với bạn bè và cô giáo?
Từ một đứa trẻ “hoang dã” trong gia đình có vẻ với quá nhiều sự tự do, chúng ta gửi đứa trẻ đến trường mong em trở thành một đứa trẻ “nề nếp”, “ngoan ngoãn” hơn.
Cuốn sổ liên lạc của mình từ thời xa xưa đến nay vẫn còn chi chít những “Phiếu Bé Ngoan” được các cô giáo khen tặng. Bản chất của mong đợi này có nghĩa là gì?
Đó là mong đứa trẻ học được cách THÍCH NGHI với môi trường xung quanh; để đứa trẻ hiểu rằng có những quy tắc của thế giới mà em cần phải hiểu và chấp nhận để có thể tồn tại và phát triển một cách thuận lợi. Mong đợi này thật sự là hợp lí.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: Đây thường là loại mong đợi duy nhất hoặc quá chiếm ưu thế. Hiếm khi nào chúng ta tự hỏi, ngược lại: Liệu môi trường xung quanh có học cách thích nghi với đứa trẻ không?
Gánh nặng của việc thích nghi thường dồn hết lên vai đứa trẻ.
Không có gì lạ khi sự mất cân bằng này dẫn đến việc đứa trẻ không cảm thấy “thuộc về” khi đến trường và rồi không muốn đến trường. Trong mắt và trong trái tim đứa trẻ, trường học theo cách này là một nơi quá mức xa lạ.
Còn trong trường hợp “may mắn” hơn khi đứa trẻ học được cách thích nghi hoàn toàn với môi trường lớp học, một nguy cơ khác xuất hiện: Đứa trẻ có thể đánh mất chính mình.
Cũng không có gì lạ nếu một đứa trẻ không biết bản thân mình là ai, không chấp nhận và cũng không biết bảo vệ bản thân mình sẽ trở thành những người lớn không có ước mơ và đam mê rõ ràng, cũng không kết nối được với những người xung quanh một cách chân thật và hài hòa.
Mình không kêu gọi một môi trường tự do “nguyên chất” khi mà đứa trẻ có thể làm bất kì điều gì mình muốn. Mình tin vào một môi trường cân bằng: Nơi cả trẻ em và môi trường xung quanh cùng thích nghi với nhau.
Để làm được điều này, cô Anneleen (Chuyên gia giáo dục Phần Lan) nói một điều mình cảm thấy rất “chạm”. Cô nói rằng người làm giáo dục cần có một Sự Nhạy Cảm Chủ Động (Active Sensitivity). Nhạy cảm để tìm kiếm cơ hội tìm hiểu đứa trẻ, giúp cho đứa trẻ cảm thấy được lắng nghe, được nhìn thấy và được chấp nhận.
❓ Một đứa trẻ 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi không phải “biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”, là tốt rồi sao? Thật sự chúng ta cần phải để tâm xem các em có cần cảm thấy “được lắng nghe, được nhìn thấy và được chấp nhận” nữa à?
Vâng, thật là rắc rối, nhưng nếu chúng ta có quan tâm đến việc các em có thể trở thành những người độc lập, kiên cường, tự tin, có chính kiến và có lòng trắc ẩn với chính mình và người khác, thì chúng ta đành phải quan tâm đến những điều này.
Càng rắc rối hơn nữa, nhưng cũng lại thú vị hơn nữa, là để các em có thể cảm thấy “được lắng nghe, được nhìn thấy và được chấp nhận”, thì loại môi trường cần thích nghi với các em không chỉ là môi trường về tâm lý hay xã hội – cách chúng ta giao tiếp hay ứng xử với trẻ thông qua lời nói, biểu cảm, cơ thể – mà còn là MÔI TRƯỜNG VẬT LÝ – là bàn, là ghế, tủ, trần, tường, sàn, ánh sáng, âm thanh, mùi hương.
Môi trường vật lý, dù lặng lẽ, có thể đang nói với đứa trẻ rằng “Chúng tôi không quan tâm bạn là ai.”. Và đứa trẻ có thể nghe thấy điều đó.
Nhưng môi trường vật lý cũng có thể nói với đứa trẻ rằng “Chúng tôi nhìn thấy bạn, nghe thấy bạn và bạn quan trọng trong không gian này.” Và đứa trẻ cũng có thể nghe thấy điều đó.
Môi trường vật lý không chỉ phục vụ trẻ, mà còn giao tiếp với các em, dìu dắt, là một người bạn và một NGƯỜI THẦY của các em.
- Một không gian học tập đa dạng, có tính linh hoạt nói với các em rằng “Bạn có quyền lựa chọn”.
- Một bức tranh do trẻ tạo nên được treo lên tường một cách trang trọng thể hiện thông điệp rằng “Những gì bạn tạo ra có giá trị” và “Nơi này cũng thuộc về bạn”.
- Một góc yên tĩnh với gối mềm, ánh sáng dịu dàng và một mùi hương dễ chịu khẳng định rằng: “Chúng tôi hiểu rằng đôi khi bạn cũng cần không gian để thư giãn và tái tạo năng lượng.”
- Những kết cấu và vật liệu thú vị, phù hợp với sở thích của đứa trẻ nói rằng: “Chúng tôi tin rằng bạn là một đứa trẻ thú vị, sáng tạo và chúng ta có rất nhiều điều để cùng làm với nhau từ những điều bạn quan tâm.”
Khi là người lớn, chúng ta đôi khi không còn thời gian và sự nhạy cảm để nghe và quan tâm những gì mà không gian xung quanh nói với chúng ta nữa. Nhưng đứa trẻ thì có thể nghe thấy.
Trẻ em cần một không gian học tập không chỉ an toàn, gọn gàng mà còn có tính thẩm mỹ, truyền cảm hứng, có cá tính, biết bao dung và thấu cảm với trẻ. Một không gian hiểu và biết thích nghi với đứa trẻ không làm cho trẻ “yếu mềm” hay “ngỗ nghịch” hơn, mà giúp trẻ mạnh mẽ và biết cách tôn trọng chính bản thân cũng như những người xung quanh.
Sự CÂN BẰNG giữa việc “tôi thích nghi với thế giới” và “thế giới thích nghi với tôi” tạo nên thứ dưỡng chất tốt lành giúp nuôi dưỡng con người phát triển một cách bền vững.
----
📖 Mình cũng gửi đến các thầy cô và phụ huynh tóm tắt của 7 nguyên lý về thiết kế được trình bày trong quyển sách “Inspiring Spaces for Young Children” (Những không gian truyền cảm hứng cho trẻ em) của nhóm tác giả là các giáo viên, nhà giáo dục và nhà thiết kế không gian cho trẻ em (Deviney, Duncan, Harris, Rody & Berry, 2010).
- Linh Hồ - The Marveller
Tiến sĩ Giáo dục học
🌼 Trong quyển sách “Inspiring Spaces for Young Children”, các tác giả mô tả quá trình thiết kế hay chuyển hóa không gian cho trẻ em gồm 3 giai đoạn: Nảy mầm, Đâm chồi và Nở hoa. Thông điệp ở đây là việc hiểu và thực hành những nguyên lý thiết kế, giống như một cây non, cũng cần có thời gian vun đắp và trưởng thành. Công việc của một người giáo viên, một nhà giáo dục, một người lớn đồng hành bên cạnh các em nhỏ không phải là một công việc tĩnh lặng hay đứng yên mà là một hành trình liên tục học hỏi, đổi mới và thích nghi.
Mọi người có thể tham khảo video về quyển sách mình có đề cập ở đây để hiểu hơn về các nguyên tắc cũng như xem thêm một số hình ảnh về các môi trường lớp học rất thú vị và truyền cảm hứng nhé: https://www.youtube.com/watch?v=2RD9XOow20E