Sự việc tại Mái Ấm Hoa Hồng – nơi đáng lẽ ra những đứa trẻ cần nhận được sự chở che và yêu thương hoặc ít ra là sự bình yên lại nhận về quá nhiều tổn thương - làm mình nghĩ đến câu chuyện của cô bé Beth Thomas.
(Bài viết có những yếu tố có thể tạo cảm xúc mạnh)
Trong bộ phim tài liệu nổi tiếng của HBO vào năm 1990 mang tên Đứa Trẻ của Sự Giận Dữ (Child of Rage), Beth Thomas – cô bé 6 tuổi rưỡi với ánh nhìn lạnh lẽo, thản nhiên nói về việc em đã cố gắng dùng con dao lấy đi từ nhà bếp để giết em trai của mình.
Đây không phải lần đầu tiên em có ý định này. Và cũng không chỉ với em trai, em cũng nói một cách hết sức bình thản trước ống kính rằng em muốn làm hại cả ba và mẹ nuôi của mình.
Beth và em trai đã được một cặp vợ chồng nhận nuôi từ khi em 19 tháng tuổi. Ba mẹ nuôi của hai đứa trẻ không hề biết điều gì đã xảy ra với các em khi đó. Nhưng dần dần, khi Beth có những biểu hiện ngày càng hung hăng và bạo lực, họ mới tìm hiểu kỹ càng và nhận ra rằng Beth đã trải qua những năm tháng đầu đời bị lạm dụng và bạo hành nghiêm trọng bởi chính người cha ruột của mình.
Trong những cơn mơ, em gào thét về những khoảnh khắc trong quá khứ, cho dù khi ấy em còn rất nhỏ - ở độ tuổi mà người ta vẫn thường nghĩ rằng trẻ em sẽ không ghi nhớ được điều gì.
Beth được một số nhà trị liệu chẩn đoán mắc phải Rối loạn Gắn bó Phản ứng (𝐑𝐞𝐚𝐜𝐭𝐢𝐯𝐞 𝐀𝐭𝐭𝐚𝐜𝐡𝐦𝐞𝐧𝐭 𝐃𝐢𝐬𝐨𝐫𝐝𝐞𝐫 – 𝐑𝐀𝐃) – trạng thái mà các em nhỏ sau khi trải qua việc bị bỏ rơi, lạm dụng, bạo hành trong những ngày tháng đầu đời đã không thể hình thành được kết nối và sự gắn bó với những người chăm sóc mình nữa.
Trong trường hợp của Beth, ngay cả khi ba mẹ nuôi rất quan tâm và cố gắng yêu thương em, em cũng không cảm nhận và hồi đáp được tình yêu thương này, mà chỉ còn lại sự vô cảm, tức giận đến nỗi muốn làm tổn thương họ và cả những người xung quanh khác.
Nhưng tại sao những trải nghiệm đau thương này lại ám ảnh những đứa trẻ như Beth nhiều như vậy?
Những đứa trẻ bị bạo hành, bỏ mặc có thể không nhớ chính xác những gì đã xảy ra. Nhưng sự thật là tâm trí của các em vẫn lưu giữ lại, tạo ra những kết nối thần kinh, hình thành những phản ứng tự động nằm ngoài ý thức, định hình cách mà các em phản ứng với thế giới xung quanh.
Những vết thương vô hình từ những mối quan hệ bị đứt gãy trong quá khứ rất có thể sẽ theo các em đến suốt cuộc đời.
Ở cuối bộ phim tài liệu, sau khi trải qua một khoảng thời gian trị liệu, Beth đã dần hình thành được ý niệm về đạo đức, dần cảm nhận và hiểu được thế nào là tình yêu thương.
Khi nói về những gì đã xảy ra, sự vô hồn và lạnh lẽo không còn nữa mà em đã nói với ánh mắt áy náy, buồn bã rằng: “Khi con làm tổn thương người khác, con cũng đang làm tổn thương chính phần tốt đẹp trong con...” và bật khóc.
-----
Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho những trẻ em với những tổn thương sâu sắc như vậy là không hề dễ dàng. Sau khi bộ phim tài liệu về Beth được công bố, rất nhiều những tranh luận đã diễn ra về cách mà Beth được điều trị và cách mà những đoạn phỏng vấn với em được thực hiện.
Câu chuyện trở nên phức tạp hơn khi một trong những người chịu trách nhiệm điều trị chính cho Beth là Connell Watkins đã bị buộc tội ngộ sát một bé gái 10 tuổi (cũng được chẩn đoán mắc RAD). Trong một phiên trị liệu, Watkins sử dụng một liệu pháp mang tên 𝐑𝐞𝐛𝐢𝐫𝐭𝐡𝐢𝐧𝐠 𝐓𝐡𝐞𝐫𝐚𝐩𝐲 (Liệu pháp tái sinh).
Watkins và các trợ lý của mình đã bọc cô bé trong những tấm chăn dày để mô phỏng lại quá trình sinh nở và yêu cầu cô bé cố gắng thoát ra như cách em đã từng được sinh ra. Liệu pháp được thực hiện với ý nghĩa để em “tái sinh” và hình thành lại cảm giác gắn bó với những người chăm sóc mới của em. Nhưng thực tế là cô bé đã ngạt thở và qua đời khi bị đè lên người một khối lượng ước tính có thể lên đến hàng trăm kg.
Một liệu pháp khác cũng tạo nên sự phản đối gay gắt và rất có thể đã được sử dụng với Beth là liệu pháp 𝐇𝐨𝐥𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐓𝐡𝐞𝐫𝐚𝐩𝐲 (Liệu pháp ôm chặt). Trong liệu pháp này, trẻ sẽ bị giữ rất chặt bởi cha mẹ hoặc người trị liệu trong một thời gian dài. Khi đó, trẻ sẽ có thể phản kháng rất mạnh mẽ và bộc lộ những cảm xúc giận dữ, đau khổ. Người trị liệu hoặc cha mẹ tiếp tục ôm chặt trẻ cho đến khi trẻ chấp nhận sự ôm ấp đó và đạt được trạng thái bình tĩnh, tái kết nối với cảm giác an toàn và yêu thương.
Tuy nhiên, người đã tạo nên liệu pháp này là Neil Feinberg đã nhận những phản đối mạnh mẽ từ giới chuyên môn vì sự bạo lực của quá trình trị liệu này. Tổ chức ACT chuyên cảnh báo về những phương pháp trị liệu tương tự thông tin rằng cuối cùng Neil Feinberg đã bị rút giấy phép hành nghề vĩnh viễn.
Thật đau lòng khi nghĩ về những đứa trẻ đã trải qua những bất hạnh lại tiếp tục có những trải nghiệm “chữa lành” nhưng thực sự lại là một hình thức bạo lực khác!
-----
Sự gắn bó (𝐀𝐭𝐭𝐚𝐜𝐡𝐦𝐞𝐧𝐭) giữa trẻ em và người chăm sóc ngay từ khi vừa mới sinh ra là một yếu tố cốt lõi trong quá trình phát triển của mỗi đứa trẻ. Các em rất cần sự quan tâm, phản hồi, và cảm giác được yêu thương để hình thành nền tảng lành mạnh cho cách các em ứng xử với chính mình và thế giới xung quanh.
Không phải vì các em còn nhỏ mà các em sẽ không nhớ gì hay những vết thương vật lý rồi cũng sẽ phai mờ nên không sao cả. Chính những vết thương không nhìn thấy được, cũng không nhớ được, có thể để lại những dấu ấn sâu đậm nhất.
-----
- Việc chẩn đoán cho trẻ em sau khi gặp phải những tổn thương tâm lý, đặc biệt chẩn đoán về Rối loạn Gắn bó Phản Ứng (RAD) theo mình là cần phải được đưa ra một cách rất THẬN TRỌNG. Không phải trẻ em nào đi qua những trải nghiệm tổn thương trong quá khứ cũng sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng và theo những cách giống nhau.
- Các liệu pháp sử dụng để hỗ trợ cho các em cũng cần phải được cân nhắc thực hiện hết sức thận trọng.
- Với sự hỗ trợ, đồng hành hợp lý của người chăm sóc và các chuyên gia tâm lý, nhiều trường hợp trẻ em cũng có thể phục hồi và có một cuộc sống bình thường.
Một số tài liệu tham khảo cho bài viết này mọi người xem thêm ở phần bình luận nhé.
--------
𝑳𝒊𝒏𝒉 𝑯𝒐̂̀ - 𝑻𝒉𝒆 𝑴𝒂𝒓𝒗𝒆𝒍𝒍𝒆𝒓
Tiến sĩ Giáo dục học
Thông tin thêm về Beth Thomas: Sau quá trình điều trị lâu dài, Beth đã trưởng thành và sống cuộc sống của một người bình thường. Cô đã hoàn thành chương trình học trở thành một y tá. Beth thảo luận công khai về cuộc đời và quá trình hồi phục của mình qua các buổi nói chuyện, bài viết, các phương tiện truyền thông để cảnh báo và giúp đỡ những trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng bởi bạo lực và lạm dụng. Tuy nhiên, cách thức mà Beth và mẹ nuôi của mình là Nancy Thomas khuyến khích các trường hợp trẻ em như Beth được hỗ trợ cũng vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Đây là một chủ đề phức tạp nên mọi người có thể tìm hiểu và có đánh giá thêm nhé.
Phóng sự của báo Thanh Niên về sự việc bạo hành trẻ tại mái ấm Hoa Hồng:
https://www.youtube.com/watch?v=xRKf2FF2K1Y&ab_channel=B%C3%A1oThanhNi%C3%AAn