Những dấu chấm xúc giác
Vì sao thật tệ khi ta khác người? Và đôi điều về Lý thuyết xã hội về sự khuyết tật.
CHIẾC THẺ NGÂN HÀNG MỚI
Cách đây một vài tháng, khi quay lại Anh để hoàn thành việc nghiên cứu sau giai đoạn thu thập dữ liệu, mình và chồng mình đã xin cấp lại thẻ ngân hàng mới do thẻ cũ hết hạn. Khi nhận được chiếc thẻ giao đến nhà, tụi mình mở thẻ ra và cảm thấy ngạc nhiên vì chiếc thẻ đã được thay đổi thiết kế, chuyển từ thẻ ngang sang dọc, tên chủ thẻ, số thẻ cũng được chuyển sang mặt sau. Ngoài ra, có hai sự thay đổi khác làm mình đặc biệt lưu tâm.
Điều đầu tiên là ngân hàng đã bổ sung thêm Tactile Markers (Ký hiệu xúc giác). Đây là những chấm tròn in nổi ngay bên cạnh phần chip của thẻ, giúp chủ thẻ có thể dễ dàng nhận ra là cần đưa thẻ vào máy ATM hoặc đầu đọc thanh toán từ hướng nào, và có thể phân biệt được thẻ mình đang sử dụng là thẻ Credit hay Debit (Mỗi loại thẻ có số lượng chấm khác nhau, như thẻ bọn mình dùng là thẻ Debit thì có 3 chấm).
Ngoài ra, ngân hàng cũng đã thiết kế để kích thước chữ của phần tên chủ thẻ và số thẻ to hơn, rõ hơn rất nhiều so với trước để người dùng có thể dễ đọc hơn.
Những sự thay đổi này để làm gì? Ai sẽ cần đến chúng?
Mình nghĩ mọi người cũng có thể đoán được, đây là sự thay đổi để những người khiếm thị hoặc có hạn chế về thị giác khi sử dụng thẻ để thanh toán thuận lợi, dễ dàng hơn.
Hãy thử nhắm mắt lại và cầm lên chiếc thẻ ngân hàng hiện tại của mình, nếu không có bất kì kí hiệu gì, làm thế nào để bạn phân biệt được mình đang cầm trên tay tấm thẻ nào và mất bao lâu bạn mới tìm ra được hướng đúng để đưa thẻ vào thiết bị thanh toán?
Tất cả các thẻ ngân hàng tại Việt Nam của mình và một số thẻ khác mình dùng tại Anh hiện tại đều không có những Tactile Makers này. Mình gọi đây là: Những dấu chấm xúc giác.
TENJI BLOCKS
Tìm hiểu kĩ thêm, mình chợt nhận ra đằng sau những dấu chấm xúc giác tưởng như nhỏ bé này lại có một câu chuyện thật sự thú vị.
Những dấu chấm xúc giác lần đầu tiên xuất hiện không phải trên những chiếc thẻ ngân hàng mà là trên mặt đường. Đây là một phát minh được tạo nên bởi một người Nhật tên là Seiichi Miyake vào năm 1965. Phát minh này trong tiếng Nhật có tên gọi là Tenji, mọi người vẫn hay gọi đây là Tenji Blocks, hoặc Tactile Paving.
Nếu bạn nào đã từng thử đi tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông, chắc chắn bạn đã bắt gặp Tenji Blocks ngay trước khi bạn bước chân lên tàu. Đó là một vạch màu vàng kéo dài xuyên suốt khu vực ngay bên cạnh đường ray. Khi bước chân lên vạch này, bạn sẽ cảm nhận được những họa tiết hình tròn cộm dưới chân mình, nhắc nhở bạn rằng hãy chú ý, nếu không cẩn thận, bạn có thể ngã xuống khoảng trống phía trước.
Phát minh Tenji Blocks được ra đời vì Miyake có một người bạn rất thân tên là Hideyuki Iwahashi. Không may, Iwahashi bị chẩn đoán là có vấn đề với thị lực, mắt ông dần mờ đi và đến một lúc, ông đã mất hoàn toàn thị giác. Vì thương bạn, Miyake đã cố gắng nghĩ ra một cách thức giúp bạn có thể tự mình di chuyển một cách an toàn.
Năm 1967, những viên gạch Tenji đầu tiên được chính thức lắp đặt ở thành phố Okayama, ngay bên cạnh một ngôi trường dành cho các trẻ em khiếm thị. Mười năm sau, Tenji Blocks trở thành yêu cầu bắt buộc của ngành đường sắt quốc gia Nhật Bản.
Bạn có thể bắt gặp hai dạng thiết kế của Tenji Blocks. Một là dạng chấm tròn, cảnh báo nguy hiểm, và một dạng là đường thẳng để chỉ phương hướng. Khi sống tại Anh và đến du lịch tại một số quốc gia như Singapore và các nước Châu Âu, mình thấy những dấu xúc giác dạng chấm tròn này rất phổ biến, hầu như có mặt ở mọi khu vực dành cho người đi bộ băng qua đường. Chúng vừa báo hiệu rằng đây là nơi có thể băng qua, vừa cảnh báo điểm giao nhau với mặt đường để người có hạn chế về thị giác cảm nhận được bằng chân hoặc gậy hỗ trợ biết là nên dừng bước tại đâu.
Tenji Blocks đã có một hành trình tuyệt vời từ một món quà đến từ lòng tốt và sự quan tâm trở thành một quy chuẩn chung về thiết kế đô thị trên toàn thế giới.
AI LÀ NGƯỜI XỨNG ĐÁNG?
Khi đi qua các quốc gia, mình nhận ra bên cạnh Tenji Blocks, có rất nhiều cách khác để hỗ trợ cho cuộc sống của những người có khó khăn về thể chất.
Ví dụ như thang máy, xe đẩy, ram dốc, cửa mở tự động ở sân bay, bến tàu dành cho những người có hạn chế về di chuyển. Hay những suất chiếu đặc biệt có màn hình phụ đề đặt cạnh sân khấu, mô tả toàn bộ những âm thanh và lời nói của diễn viên trong những buổi diễn nhạc kịch, dành cho những người có hạn chế về thính giác. Hoặc những ký hiệu xúc giác trên các tờ tiền để người khiếm thị phân biệt được các mệnh giá dễ dàng hơn.
Có lần mình đến một sở thú ở Singapore, trước mỗi khu vực của từng bạn thú có một bảng thông tin về đặc điểm của bạn thú đó. Tại bảng thông tin này, bên cạnh chữ viết thông thường, có hệ chữ nổi để cả người khiếm thị cũng có thể đọc được. Ngoài ra ở một số quốc gia nơi khu vực đèn giao thông có vạch cho người băng qua đường, cột đèn giao thông cũng sẽ phát ra những tín hiệu là những tiếng beep beep liên tục báo hiệu khoảng thời gian an toàn để băng qua đường.
Những sự hỗ trợ này có ý nghĩa gì? Mình đã rùng mình khi nghĩ lại về tất cả những điều này. Thông điệp rất đơn giản:
Dù bạn là ai, bạn đều xứng đáng cảm nhận và tận hưởng những vẻ đẹp của thế giới này!
Người khiếm thị có quyền được di chuyển một cách tự chủ và an toàn ngay cả khi họ không thể nhìn thấy. Người có khiếm khuyết về chân có quyền được đến những nơi mà họ muốn ngay cả khi họ di chuyển khó khăn. Người khiếm thính có quyền được hiểu những âm thanh đang diễn ra xung quanh, tận hưởng vẻ đẹp của nghệ thuật ngay cả khi họ không thể nghe thấy. Người khiếm thị có quyền được mở rộng tri thức và hiểu biết của mình, cảm nhận thế giới ngay cả với những điều họ không thể nhìn thấy. Người không thể nói được vẫn có quyền được giao tiếp cho mọi người biết những suy nghĩ của họ mà không cần tạo ra âm thanh.
NGUỒN GỐC CỦA NHỮNG “KHUYẾT TẬT”
Trong quá trình học tập và nghiên cứu về Giáo dục học và cụ thể là về Giáo dục hòa nhập (Inclusive Education), mình đã được tiếp cận với một lý thuyết rất thú vị có tên gọi là Lý thuyết xã hội về sự khuyết tật (Social Model of Disability).
Thông điệp chính của lý thuyết này là:
Khuyết tật không sinh ra từ mỗi cá nhân mà được tạo ra bởi xã hội. Xã hội, và đặc biệt là những người “không khuyết tật” đã tạo nên những cấu trúc và thiết kế sống phù hợp với họ, và từ đó, hình thành những rào cản “nhân tạo”, ngăn trở những người được cho là “khuyết tật” tham gia vào xã hội một cách thuận lợi.
Hãy nghĩ về điều này một chút. Có những thứ rất đơn giản như thiết kế của chiếc kéo, chuột máy tính, quyển sổ lò xo, cây bút, bàn ăn, bàn phím, găng tay được dành riêng cho những người thuận tay phải. Có nhiều phụ huynh nhất định phải tập cho đứa con thuận tay trái của mình sử dụng tay phải dù cho trẻ cự tuyệt và khổ sở, vì nỗi lo lắng rằng con sẽ gặp rất nhiều bất lợi khi sống trong một thế giới toàn những người dùng tay phải.
Hãy thử tưởng tượng nếu đại đa số người đều thuận tay trái, hay đều có một khuyết tật nào đó giống nhau, thì thế giới này sẽ khác đi ra sao? Khi đó, ai mới là người bất thường, ai mới là người mang trên mình khuyết tật?
Những khuyết tật về thể chất không dễ dàng để chung sống và nhận được sự đồng cảm hay hỗ trợ. Với những “khiếm khuyết”, “bất thường” về tinh thần, trí tuệ, tính cách, giới tính, mọi thứ cũng không hề dễ dàng hơn.
Một cô giáo người Anh đã từng kể với bọn mình rằng trước đây khi cô còn là một giáo viên trẻ, hệ thống giáo dục từng có quy định rằng trẻ trước khi đi học hay chuyển cấp cần phải tham gia vào một bài kiểm tra đánh giá trí tuệ để xếp lớp, phân loại. Có những đứa trẻ chỉ vì thiếu 1 điểm duy nhất cũng đã bị xếp vào loại trẻ “khuyết tật, thiểu năng trí tuệ” và không được nhận một nền giáo dục bình thường ngay cả khi trong thực tế khả năng học tập của các em không đến mức quá khác biệt so với các bạn. Việc dán nhãn cho những đứa trẻ là “có vấn đề” có thể thay đổi hoàn toàn tương lai của chúng theo một cách rất tiêu cực.
Bạn biết không, ngay cả việc là một người Hướng nội, hoặc là người Đặc biệt nhạy cảm (Highly sensitive people), ở một góc độ nào đó, cũng mang lại cảm giác bản thân là một người bất bình thường, thậm chí khiếm khuyết (Mình sẽ nói rõ thêm về chủ đề này trong một bài viết khác).
TÔN TRỌNG SỰ ĐA DẠNG
Ngày nay, triết lý Giáo dục hòa nhập đang ngày càng tạo nên sức ảnh hưởng. Sự thay đổi không đến từ việc cố tỏ ra thương hại, tách biệt và có những đối xử “đặc biệt” với những học sinh được cho là bất thường. Mà sự thay đổi đến từ nhận thức là mỗi đứa trẻ, hay bất kì ai đều có những giá trị riêng theo cách của riêng họ. Không ai là bình thường, cũng không ai là bất thường. Mọi người chỉ khác nhau và nên được đối xử theo cách phù hợp với những thuận lợi và khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống.
Có thể bạn đã từng nghe đến Lý thuyết Đa trí thông minh của Howard Gardner? Đây là một cách tiếp cận thay thế cho cách tiếp cận tập trung vào trí thông minh IQ truyền thống. Mỗi người có thể thông minh theo những cách rất khác nhau và dù cho là theo cách nào, cũng cần được trân trọng và tạo điều kiện để phát triển phù hợp theo con đường riêng của mình.
Các nhà khoa học và nhà giáo dục trên thế giới cũng đang nỗ lực thay đổi ngay cả cách gọi tên những đứa trẻ được cho là “bất thường”. Nếu trước đây mọi người sẽ dùng những từ ngữ rất nặng nề như “thiểu năng, khuyết tật”, thì ngày nay những từ ngữ được khuyến khích và phổ biến hơn, nhất là khi giao tiếp với trẻ, là trẻ có “nhu cầu đặc biệt” (special needs), hoặc trẻ có “quyền đặc biệt” (special rights).
Gần đây, nhiêu nơi đã chuyển hẳn sang dùng thuật ngữ Neurodiversity (Đa dạng hệ thần kinh) và gọi những trẻ em được chẩn đoán có các “rối loạn” như Tự kỷ, Tăng động giảm chú ý (ADHD), Khó đọc (Dylexia) hay Tourette, là NeuroDivergent Children. Thuật ngữ này giúp khẳng định rằng não bộ của mỗi người đều hoạt động theo một cách độc đáo và duy nhất. Mặc dù có một số điểm tương đồng nhưng cũng giống như vân tay, không có hai bộ não hoàn toàn giống nhau.
Có thể các em có suy nghĩ và hành động khác với những người xung quanh, nhưng không có nghĩa điều đó là sai trái.
Các em có thể suy nghĩ khác mọi người, cảm nhận khác mọi người và do đó, cần được sống khác với mọi người. Nhưng hãy nhớ lại Lý thuyết xã hội về sự khuyết tật, cho dù có sự khác biệt, các em chỉ thật sự khuyết tật khi chúng ta đặt ra hoặc níu giữ những rào cản ngăn trở các em sống một cuộc sống mà các em, hay bất kì ai có quyền được sống.
CUỘC SỐNG VẪN TIẾP TỤC ĐỔI THAY
Quay lại với câu chuyện về Những dấu chấm xúc giác. Năm 2020, tại Anh, có một người đàn ông 53 tuổi tên là Cleverland Gervais. Ông là người khiếm thị và đã qua đời vì ngã xuống đường ray tại một ga tàu ngay khi có tàu chạy đến. Sân ga nơi Gervais ngã xuống không có vạch ký hiệu xúc giác.
Theo thống kê, trường hợp của Gervais không phải là duy nhất và có rất nhiều người đã gặp những tai nạn thảm khốc vì lý do tương tự. Hiệp hội RNIB (Royal National Institute of Blind People - Hiệp hội Hoàng Gia Quốc Gia cho người Khiếm Thị) đã quyết định tạo nên một chiến dịch với tên gọi là #RailSafe Campaign để yêu cầu phải cho lắp đặt hệ thống Tactile Paving ở toàn bộ các sân ga tại Anh. Chiến dịch này, theo RNIB, đã thành công và hệ thống Network Rail tại Anh đã cam kết sẽ tiến hành lắp đặt bổ sung những dấu chấm xúc giác này ở khắp các nhà ga trong thời gian sắp tới.
Nhưng câu chuyện của Tenji Blocks không dừng lại ở đây. Một nhóm các nhà nghiên cứu khoa học Tây Ban Nha, mặc dù rất yêu quý Tenji Blocks nhưng cũng nhận ra những hạn chế của nó. Đúng là những người khiếm thị có thể nhận biết được khu vực và hướng đi khi có vật cản hoặc nguy hiểm, nhưng câu hỏi là: Rồi họ sẽ đi tiếp như thế nào?
Sau mười năm nghiên cứu, nhóm nhà khoa học này đã tạo nên Navilens, một phiên bản cải tiến của Tenji Blocks. Navilens có thể được lắp đặt tích hợp vào sàn của các sân bay, nhà ga, kết hợp với công nghệ 3D-Sonification giúp gửi hướng dẫn trực tiếp đến điện thoại của người dùng để họ có thể nghe, biết hướng cần đi bên cạnh việc cảm nhận được những dấu xúc giác dưới chân. Từ đó, người dùng có thể di chuyển tự chủ và an toàn hơn ở những không gian công cộng.
Theo thống kê của chính phủ công bố vào năm 2019, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người, nghĩa là hơn 7% dân số là người “khuyết tật”. Ngoài ra, có 13% dân số, khoảng 12 triệu người, là gia đình của những người “khuyết tật”. Tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng, tỷ lệ thuận với tốc độ già hóa dân số. Vậy phải chăng cũng đến lúc mọi thứ nên có sự thay đổi rõ rệt hơn?
Những thay đổi nào, dù nhỏ bé nhưng ý nghĩa có thể được tạo ra ở nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc hay cả trong gia đình để tạo ra những môi trường có tính hoà nhập hơn?
Một tháng trở lại đây, mẹ mình bị té ngã, không đi lại được trong một thời gian. Mẹ lo lắng nghĩ nếu sau này già không đi lại được thì sẽ khổ lắm vì mẹ đã quen tự di chuyển tới rất nhiều nơi và trong thời gian rất nhanh rồi. Mình tự hỏi, nếu cuộc sống đổi thay, mẹ sẽ thấy bớt lo lắng hơn không?
Khi học đại học, mình học chung khóa với một người bạn khiếm thị. Bạn tự di chuyển, đi học, ăn trưa, đến lớp và hoàn thành việc học rất tốt và đã tốt nghiệp đại học. Mình tự hỏi, nếu cuộc sống đổi thay, sẽ có nhiều người như bạn được đến trường hơn không?
Mình mong chờ ngày đó.
Linh Ho
- Nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ Giáo dục học tại Vương Quốc Anh
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Hãy để lại bình luận để mình biết bạn nghĩ gì về bài viết này hoặc gửi cảm nhận của bạn đến email của mình nhé: linhho.themarveller@gmail.com. Mình rất muốn được đọc những chia sẻ của bạn đó!
Ngoài ra, bạn có thể đăng ký email để nhận được thông báo về những bài viết mới nhất của mình. Hẹn gặp lại bạn trong bài viết tiếp theo nhé!