Không ổn cũng vẫn ổn mà.
Vì sao mình sẽ ngừng chúc mọi người luôn vui vẻ và hạnh phúc? Và đôi điều về văn hóa tích cực độc hại.
Đã trở thành một thói quen, khi đến dịp sinh nhật hoặc dịp Lễ Tết và cần gửi một lời chúc đến ai đó, đặc biệt khi mình không thực sự dành đủ thời gian để nghĩ ra một điều gì hay ho hơn, hoặc với một mối quan hệ không quá thân thiết đủ để hiểu rõ về nhau, mình thường đơn giản nói rằng:
“Chúc anh/chị/em/bạn luôn vui vẻ và hạnh phúc nhé!”.
Người nhận được lời chúc sẽ bấm like/thả tim, nếu có thời gian thì dành cho mình một lời cám ơn. Sau khi xem xong thông báo về like hoặc comment của người đó, mình sẽ thanh thản yên lòng là mình đã gửi đến người mình quan tâm một lời chúc tốt đẹp. Và mỗi người trở lại với cuộc sống của riêng mình. Chấm hết.
Nhưng càng ngày mình càng nhận ra rằng sự vô tư đó của mình đã góp phần củng cố thêm một loại văn hóa không có lợi cho sức khỏe tinh thần của từng cá nhân và cả cộng đồng, chính là Tích cực độc hại (Toxic Positivity).
Thông điệp: Chúc bạn luôn vui vẻ, hạnh phúc, thật ra có nghĩa là gì? Kỳ vọng đằng sau lời chúc ấy là gì? Một lần, mình dừng lại để suy nghĩ và tự hỏi: Mình có thật sự muốn người đó luôn vui vẻ và hạnh phúc không? Vấn đề không nằm ở cụm từ “vui vẻ và hạnh phúc”, mà là ở từ “luôn”.
Luôn nghĩa là 100% thời gian. 100% thời gian vui vẻ hạnh phúc, 24 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần, 365 ngày một năm luôn vui vẻ và hạnh phúc? Mình có chắc điều đó thật sự tốt cho người mình quan tâm?
Khi mình nói ra câu chúc đó, dường như mình không chỉ đơn giản là mong cầu một điều tốt đẹp đến người khác, mà trong vô thức, mình đã hình thành và củng cố thêm cho KỲ VỌNG rằng điều mà tất cả chúng ta nên hướng đến, cả mình và người khác, là tìm kiếm một trạng thái tinh thần tích cực tuyệt đối?
Ở thế giới của sự tuyệt đối đó, nỗi buồn dường như là một loài virus độc hại cần phải bị diệt trừ?
Năm 2011, các tác giả Daly, Oswald và Wilson công bố một bài báo khoa học với tên gọi: “Sự tương phản đen tối: Nghịch lý về tỷ lệ tự tử cao ở những nơi hạnh phúc” (Dark Contrasts: The Paradox of High Rates of Suicide in Happy Places). Bài báo trình bày các dữ liệu thu thập tại Mỹ và đưa ra kết luận rằng dường như ở những nơi có nhiều người hạnh phúc hơn, người ta lại có xu hướng cảm thấy bế tắc với cuộc đời mình hơn và phải tìm đến sự giải thoát theo cách cực đoan nhất.
Bài báo khơi gợi những bàn luận sôi nổi, thêm nhiều bằng chứng cho thấy là ở những đất nước được cho là hạnh phúc nhất thế giới như Thụy Điển, Đan Mạch, cũng là nơi có tỷ lệ tự tử cao. Một phần quan trọng để lý giải nghịch lý này chính là:
Áp lực phải cảm thấy hạnh phúc nơi có quá nhiều người hạnh phúc làm người ta cảm thấy bất hạnh.
Nhiều nghiên cứu thực hiện sau khi bài báo được công bố để kiểm định kết luận này. Có người đồng tình, có người phản đối, có người cho rằng không thể kết luận được là điều này đúng hay sai. Mình không đi sâu vào bàn luận vấn đề này, nhưng ít ra mình nghĩ nghịch lý này là một điều đáng suy ngẫm.
Có lẽ không nên vì nghịch lý này mà vội vàng đưa ra những quyết định như thay đổi chỗ ở, xa rời người thân chỉ vì mọi người dường như quá hạnh phúc trong khi mình thì không; hay cách ly một người dường như đang không hạnh phúc khỏi sự hạnh phúc của tập thể để tránh cho họ khỏi đau khổ hơn. Tuy nhiên, cẩn trọng hơn trong cách ứng xử với những người xung quanh và với cả chính mình có lẽ sẽ hữu ích.
Khi nghiên cứu và thực hành sâu thêm vào lĩnh vực giáo dục, mình càng nhận ra việc cẩn trọng này thật sự rất quan trọng. Khi một đứa trẻ vì một lý do nào đó cảm thấy khó chịu và khóc to lên, thường người lớn sẽ muốn làm gì? Đa phần sự ưu tiên ngay lập tức là làm mọi cách để đứa trẻ nín khóc.
Nếu ai đã từng chăm sóc trẻ con chắc hẳn sẽ hiểu cảm giác này. Có một thôi thúc rất lớn trong lòng đủ thúc đẩy ta làm mọi thứ, kể cả la hét, quát mắng chỉ nhằm để đứa trẻ ngừng quấy khóc. Sự quấy khóc của đứa trẻ, khó khăn nhất là tạo nên cảm giác xấu hổ vì bất lực, đặc biệt ở những môi trường công cộng. Do đó, sức ép muốn đứa trẻ ngừng ngay hành vi này lại càng lớn hơn.
Mà không phải chỉ với trẻ em, khi bắt gặp một người lớn buồn bã, đang khóc, đang tức giận, phản ứng thông thường sẽ là những câu nói như:
“Thôi, đừng khóc nữa” hay “Bình tĩnh lại đi”, hay “Có gì đâu mà khóc”, “Có gì đâu mà nóng vậy”.
Với cá nhân mình, cách thức này không hữu ích. Trong những trường hợp đó, đôi khi chính những câu nói với động cơ tốt đẹp như vậy làm mình mất bình tĩnh hơn, mình thấy khó chịu hơn thay vì được an ủi (cho dù mình có dám thể hiện ra cảm giác đó hay không).
Một lần nữa, thông điệp ngầm thật sự của những lời nói này gửi đến người nghe là gì? Dường như cảm xúc tiêu cực của tôi không được chấp nhận? Có lẽ tôi nên kiềm chế lại, hoặc ít ra không để cho ai nhìn thấy, tránh ảnh hưởng và làm phiền lòng người khác?
Một câu chuyện gây xôn xao cộng đồng gần đây là về việc một Tiến sĩ đưa ra lời khuyên cho các ông bố bà mẹ cách “rèn nam tính cho con”. Trong câu chuyện này, việc hướng đến hình ảnh một bé trai mạnh mẽ và dần trở thành một người đàn ông mạnh mẽ dường như trở thành một thước đo tiêu chuẩn bất thành văn mà xã hội hướng đến. Mình nghĩ câu nói “Con trai sao mà lại khóc, phải mạnh mẽ lên chứ!” quá quen thuộc với nhiều người.
Không phải bài quảng cáo khóa học của cô Tiến sĩ, mà chính những bình luận háo hức và chờ mong nhận được lời khuyên từ chuyên gia này làm mình thấy lo âu, vì nó phản ánh góc nhìn của mọi người về những cảm xúc được dán nhãn “tiêu cực” trong xã hội.
Dường như chỉ có hai trạng thái cảm xúc đối nghịch nhau tồn tại: vui vẻ và buồn bã. Đứa trẻ “vui vẻ, hồn nhiên” là đứa trẻ “ngoan ngoãn, hiểu chuyện”. Đứa trẻ “buồn bã, khó chịu” là đứa trẻ “hư hỏng, ương bướng, không biết điều”. Thế giới cảm xúc của con người hình như là chỉ còn lại hai màu trắng và đen. Và đương nhiên, đen là xấu, trắng là tốt. Chỉ đơn giản là như vậy.
Nhờ có hành trình tìm kiếm lối thoát về cảm xúc cho bản thân và những người xung quanh cộng với những kiến thức tích lũy, mình nhận ra rằng thế giới cảm xúc của con người phức tạp hơn như thế rất nhiều.
Và trong thế giới đó, thật ra chẳng có trắng hay đen gì cả, chẳng có tốt hay xấu, trong thế giới đó có muôn ngàn thứ cảm xúc khác nhau và mỗi cảm xúc đều có giá trị của nó.
Đằng sau từng loại cảm xúc đó đều chứa đựng những suy tư, mong muốn, nhu cầu cần được ghi nhận, đáp ứng, điều chỉnh, hỗ trợ. Và điều tử tế và hữu ích nhất, cũng là điều đầu tiên cần làm nhất cho bất kì ai, cho cả bản thân mình, đó là ít nhất, hãy gọi tên cảm xúc ấy ra. Hãy cho nó một cái tên. Hãy ghi nhận sự tồn tại của nó, thay vì chối bỏ, xua đuổi nó.
Gọi tên cảm xúc là một trong những bài học đầu đời quan trọng nhất dành cho mọi đứa trẻ. Đó là nền tảng của việc hình thành “trí thông minh cảm xúc”. Từ việc biết gọi tên, nhận diện cảm xúc của mình, mình mới có thể gọi tên và nhận diện cảm xúc của người khác. Và đó chính là những viên gạch đầu tiên xây đắp nên sự cảm thông, yêu thương lẫn nhau. Những mối quan hệ không dựa trên sự thấu hiểu này không có độ bền vì như mình đã nói, đằng sau cảm xúc là nhu cầu.
Không hiểu cảm xúc của nhau thì không thể cho nhau điều mà đối phương cần và không thể cho bản thân mình điều mình cần. Có khi điều mình nghĩ người ta cần, người ta lại không cần, và ngược lại.
Có vẻ nói ra thì thật đơn giản, gọi tên cảm xúc thôi mà có gì đâu. Nhưng ai đã trải qua những đau khổ và tổn thương thật sự, và từ khi còn bé đã học quá thuộc, quá giỏi về định nghĩa “đứa trẻ ngoan là đứa trẻ không nhõng nhẽo, mè nheo, khóc lóc”, thì có lẽ sẽ hiểu được là trong những giây phút mệt mỏi, khổ sở, điều này khó làm đến mức nào.
Mình không nói điều này chỉ từ sách vở đâu mà từ câu chuyện cá nhân. Mình có những mối quan hệ, hoặc chứng kiến những mối quan hệ gần như đã đứng trên bờ vực đổ vỡ hoặc đã đổ vỡ hẳn chỉ đơn giản vì một trong hai người không thể nói ra được mình đang cảm thấy gì và mình cần gì từ người khác. Mình và họ có thể thể hiện ra bằng những cử chỉ, hành động khó chịu, bực bội, có thể thở dài, có thể im lặng, có thể bỏ đi, có thể quăng đồ đạc, đá thúng đụng nia, nhưng khi ai hỏi đến thì sẽ trả lời là
“Không sao cả, có gì đâu”, “Anh/chị/em/mình mệt rồi, không có gì để nói cả”, hoặc “Ngày mai phải đi làm/đi học sớm, để khi khác nói”.
Trong tình thế này, người từ chối bộc lộ cảm xúc, từ chối nhận diện cảm xúc và phân tích cảm xúc của chính mình, cay đắng thay, vừa là “nạn nhân”, vừa là “thủ phạm” củng cố thêm cho văn hóa tích cực độc hại. Trong một tập thể như thế này, dần dà, mọi người đều học được bài học rằng có lẽ sự im lặng là giải pháp tốt nhất.
Nhân danh việc giữ gìn hòa khí, nhân danh việc sợ làm người khác tổn thương, nhân danh việc duy trì hiệu quả công việc chung, nhân danh những điều tốt đẹp, mọi người dành cho nhau món quà của sự im lặng.
Nhưng mình nghĩ chắc có lẽ ai cũng biết, gần như không có sự im lặng nào có thể kéo dài mãi. Đến cuối cùng, khi không thể nào im lặng được nổi nữa, và khi những tổn thương và khác biệt đã trở nên quá lớn, chồng lấn, đan cài vào nhau, người ta không có cách nào khác ngoại trừ phải cách xa nhau. Và khi đó, những lời nói và hành động dành cho nhau có thể tàn nhẫn hơn bao giờ hết.
Mình không tin là việc nói ra luôn giúp giải quyết mọi vấn đề một cách dễ dàng. Thực tế là mọi thứ sẽ khó khăn đấy, sóng gió đấy, kiệt sức đấy. Mọi thứ có thể trở nên tệ hơn rất nhiều trước khi nó tốt lên. Nhưng càng trì hoãn việc trao đổi về cảm xúc, khó khăn phải đối mặt khi nói ra càng nhiều. Khi đó, thật sự đòi hỏi sự dũng cảm rất lớn để có thể phá bỏ bức tường ngăn cách mỗi người tự xây cho mình, mà dường như đã trở nên quá kiên cố theo thời gian.
Nhưng khi đã đủ dũng cảm để vượt qua, gỡ rối từng chút một, đồng thuận từng chút một, mọi người sẽ cùng nhau đi qua cơn bão, nơi mà trách nhiệm của việc nhận diện và chữa lành cảm xúc được san sẻ cho nhau, nơi mà không ai phải một mình đối diện với nỗi buồn của mình.
Khi đã cô đơn quá lâu trong nỗi buồn, hoặc là người ta sẽ bỏ mặc luôn những nỗi buồn đó, hoặc người ta sẽ dần đổ lỗi cho chính mình vì nỗi buồn của mình. Người ta cũng dần không thể chấp nhận được nỗi buồn của ai khác nữa.
Và những nỗi buồn nhỏ, khi dần tích lũy và không được giải quyết, sẽ trở thành những vấn đề nhận thức và tâm lý phức tạp hơn. Tin mình đi, khi đó phải dùng đến những từ ngữ, khái niệm khó khăn hơn rất nhiều để gọi tên cảm xúc. Và đó sẽ là một hành trình thật sự chông gai, và đôi khi là không có một kết thúc tốt đẹp nào hết.
Mọi người thường thắc mắc sao càng ngày có vẻ thế giới này trở nên vô cảm thế? Thì với mình, việc không được học cách thực hiện bước đầu tiên mà cực kỳ quan trọng này, nhận diện chính xác cảm xúc, chính là nguồn gốc của sự vô cảm.
Vậy nên, mình sẽ không chúc mọi người luôn vui vẻ hay hạnh phúc nữa. Mình sẽ không cổ xúy cho văn hóa “tích cực độc hại” đó nữa. Mình sẽ trân trọng những giây phút “tiêu cực hữu ích”.
Mình sẽ coi trọng giá trị của những giọt nước mắt không khác gì nụ cười. Mình sẽ nói với chính bản thân mình và những ai cần đến: “Không ổn cũng vẫn ổn mà”.
Mình xin chia sẻ thêm một ý trong bài viết của một người bạn về chủ đề nhận diện cảm xúc này. Cám ơn bạn vì một thông điệp rất hay:
“Khi gọi tên và đối diện trực tiếp với cảm xúc của mình, người ta mới có khả năng ôm lấy nỗi khổ, khổ trên cái khổ, và sống sót sau từng trận khổ với nhiều niềm tin hơn.” (Nguyen Nguyen)
Chú chó đen trong tâm hồn mình sẽ trở thành một chú chó đáng yêu, đồng hành cùng mình qua cuộc sống không đơn giản này hay trở thành một con quái vật khổng lồ phá hủy hết mọi thứ, có lẽ được quyết định chính bởi giây phút mình “gọi tên” chú chó ấy.
-----------
Linh Ho
- Nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ Giáo dục học tại Vương Quốc Anh
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Hãy để lại bình luận để mình biết bạn nghĩ gì về bài viết này hoặc gửi cảm nhận của bạn đến email của mình nhé: linhho.themarveller@gmail.com. Mình rất muốn được đọc những chia sẻ của bạn đó!
Ngoài ra, bạn có thể đăng ký email để nhận được bài viết mới nhất. Cảm giác chắc sẽ giống như việc được một ai đó gửi riêng đến bạn một bức thư. Hy vọng những bức thư này sẽ sớm đến tay bạn nha!
Thật sự đã từ lâu mỗi lần gõ máy hay nói câu “chúc sinh nhật/ năm mới/ lễ gì đó... vui vẻ hạnh phúc luôn tràn đầy niềm vui tiếng cười, luôn yêu đời...” là em thấy gượng gạo vô cùng. Vì em biết điều đó là không tưởng, ko có down là sao có up... Nhưng năm này qua năm khác em vẫn chúc theo quán tính vì không biết chúc cái gì khác.
Hôm nay em đọc bài của chị em mới thấy được thêm 1 tầng sâu về mức độ tai hại của câu chúc ấy. Nó là sự biểu hiện cho:
- sự quan tâm hời hợt, một lời chúc gửi đi đổi lại một chút hài lòng vì bản thân đã nhớ đến người kia.
- sự tích cực độc hại, cứ như mình vừa ném thêm 1 hòn đá vào chiếc thúng vốn chứa đầy kỳ vọng “phải hạnh phúc, phải ổn” mà người được chúc đang gồng gánh vậy.
Nhưng quay trở lại vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay, không chúc như cũ thì chúc cái gì? Chị có gợi ý gì ko ạ? Vì dịp vui cũng ko thể chúc cái gì nó nghe có vẻ ít tích cực được, chẳng hạn như “chúc nhận diện được cảm xúc” hay “chúc bạn không ổn cũng vẫn ổn thôi” 😅
Từ bài viết của chị, chắc chắn từ nay trước khi chúc ai, hoặc an ủi ai, kể cả bản thân mình, em cũng sẽ phải dừng lại suy nghĩ, trước khi nói hoặc gõ phím theo quán tính như xưa. Em cảm ơn chị vì bài viết này.
Mình rất thích bài này