Học mầm non là để làm gì? - Học tập thông qua dự án và sự phát triển trí năng của trẻ
10 vấn đề để hiểu về Giáo dục mầm non (P.3)
“Học trường mầm non nào thì em thấy cũng không khác nhau mấy. Học xong thì em bé nào cũng biết cầm đũa thìa để ăn, biết chào hỏi người lớn, biết ngồi ngay ngắn, biết màu sắc, chữ, số, biết hát, biết múa, biết yêu thương ba mẹ. Vậy là được rồi mà phải không?”
Một phụ huynh đã chia sẻ với mình quan điểm này về việc chọn trường cho con khi đứng trước áp lực có quá nhiều điều phải cân nhắc từ học phí, vị trí, thời gian và cả những nỗi lo âu vì sự an toàn của con khi đến trường.
Mình nghe mà thấy giằng xé vì hiểu rằng với nhiều gia đình, việc tìm cho con được một mái nhà thứ hai nơi con được khỏe mạnh, bình an lớn lên, được học những điều cơ bản nhưng cần thiết nhất với cuộc sống đã là một thử thách rồi, đừng nói chi đến những điều cao xa, phức tạp hơn.
Nhưng mình cũng thấy tiếc nuối vì biết rằng việc nuôi dưỡng tiềm năng từ những năm tháng đầu đời có thể tạo ra những sự khác biệt lớn trong cuộc sống của các con.
Mình vẫn đang băn khoăn khi viết những dòng này và không hy vọng việc hiểu về những khả năng khác sẽ làm gia tăng khoảng cách giữa các sự lựa chọn trường cho con và làm ba mẹ thêm ưu phiền, áp lực.
Mình tin là những điều đẹp đẽ này nên dành cho mọi đứa trẻ.
----
Phát triển TRÍ NĂNG của trẻ từ những năm tháng đầu đời
Ngay từ độ tuổi mầm non, trẻ em đã có thể được nuôi dưỡng để phát triển trí năng, để tư duy như một “nhà khoa học”, hay nói cách khác, là trở thành “một người có khao khát và năng lực để hiểu về thế giới này”.
Đây không phải là một yêu cầu quá cao, trái với sự phát triển tự nhiên của các con mà chính là bản năng vốn có, là niềm háo hức, niềm vui và là công việc hằng ngày của các bạn nhỏ.
Nhiều nghiên cứu khoa học về tâm lý, não bộ đã chứng mình rằng từ những ngày tháng đầu đời, các con liên tục thực hiện những “thí nghiệm” với mọi thứ xung quanh để hiểu về cách thức hoạt động của thế giới và những tác động của con sẽ tạo ra những kết quả như thế nào.
Ba mẹ hãy thử quan sát cách một em bé 2 tuổi chơi trò chơi thả những khối gỗ xuyên qua những chiếc lỗ có hình dáng khác nhau.
Hãy quan sát cách thức các con thử nghiệm, rút kinh nghiệm dần để biết khối gỗ nào sẽ vừa với chiếc lỗ nào. Đó là một quá trình tư duy và học tập cực kỳ nghiêm túc và khoa học nhưng lại cũng rất tự nhiên của con!
Tuy nhiên, rất nhiều chương trình và thiết kế giáo dục không chú tâm để phát triển khía cạnh TRÍ NĂNG (𝐈𝐧𝐭𝐞𝐥𝐥𝐞𝐜𝐭𝐮𝐚𝐥 𝐝𝐞𝐯𝐞𝐥𝐨𝐩𝐦𝐞𝐧𝐭) cực kỳ quan trọng này của một em bé, hay nói cách khác là rèn luyện các THÓI QUEN CỦA TÂM TRÍ (𝐇𝐚𝐛𝐢𝐭𝐬 𝐨𝐟 𝐦𝐢𝐧𝐝).
Các con như những nhà khoa học đang háo hức, khao khát đặt ra những câu hỏi, những giả thuyết và đi tìm câu trả lời bằng cách tương tác với thế giới.
Nhưng phần lớn thời gian trong lớp học, các con lại như đang ngồi trong những chiếc hộp chật hẹp, làm những công việc do người lớn yêu cầu.
Vẽ một bức tranh, trang trí một tấm thiệp, hát một bài hát, đọc một bài thơ, học thuộc một vài từ vựng mới – những công việc rời rạc và không xuất phát từ mong muốn và sự tò mò tự thân của con.
Không đặt câu hỏi, không suy nghĩ tìm câu trả lời, không thử nghiệm, không thảo luận, không trình bày. Mọi thứ diễn ra vội vã, lộn xộn trong tâm trí con.
Điều mà con học nhiều nhất trong một ngày là: Ngoan.
Với mình, đây là một thực tại đáng tiếc và có thể làm ĐỨT GÃY KẾT NỐI giữa con và việc học tập.
Không phải là các con không nên học về những màu sắc, chữ số, không nên hát, vẽ hay đọc thơ, diễn kịch.
Mà điều quan trọng là CÁCH HỌC những điều đó như thế nào. Giống như hình ảnh cô Anneleen – chuyên gia giáo dục Phần Lan đã nhắc đến:
Làm thế nào để giữ được ngọn lửa nhỏ trong tâm trí con, giữ được tình yêu của con cho việc học tập?
----
Học tập theo DỰ ÁN (Project-based learning) như thế nào?
Xin được kể với mọi người cách các em bé học theo tiếp cận dự án với một chủ đề quen thuộc, gần gũi nhưng cũng lại mở ra rất nhiều những niềm vui và cơ hội học tập sâu sắc cho các con: Những chiếc hộp đựng.
Thông thường, với một chủ đề như thế này, bài học theo cách thức truyền thống có thể chỉ diễn ra trong vòng 30-45 phút với việc cô giáo mang một số những loại hộp đến lớp, dạy cho các con tên gọi của các chiếc hộp và hình dạng của chúng (vuông, tròn, chữ nhật). Các con cũng có thể tập luyện bỏ đồ vào hộp, mở đóng nắp hộp, hoặc dùng giấy màu và bút trang trí theo hướng dẫn của cô giáo.
Nhưng nếu thực hiện theo Tiếp cận Dự án (một cách nghiêm túc và thực chất), các hoạt động với những chiếc hộp có thể kéo dài vài tuần hoặc thậm chí vài tháng với rất nhiều năng lượng và cảm hứng sáng tạo.
K̲h̲á̲m̲ ̲p̲h̲á̲ ̲v̲à̲ ̲t̲h̲ả̲o̲ ̲l̲u̲ậ̲n̲ ̲v̲ề̲ ̲đ̲ị̲n̲h̲ ̲n̲g̲h̲ĩ̲a̲ ̲c̲ủ̲a̲ ̲h̲ộ̲p̲ ̲đ̲ự̲n̲g̲
- Các con quan sát và thảo luận từ những câu hỏi của cô giáo về định nghĩa thế nào là những chiếc hộp đựng. Cuối cùng cả lớp cùng đưa ra kết luận rằng: đó là những thứ có thể giúp đựng đồ đạc.
- Dựa trên định nghĩa ban đầu này, các em bé làm thí nghiệm so sánh giữa việc a) giữ thật nhiều các món đồ bằng tay, di chuyển từ đầu này sang đầu khác của căn phòng, với việc b) bỏ những đồ vật đó vào những chiếc hộp và di chuyển.
Từ trải nghiệm chân thật này, các con có thể cảm nhận sâu sắc hơn rằng cuộc sống sẽ khó khăn như thế nào nếu thiếu đi những chiếc hộp.
T̲h̲i̲ế̲t̲ ̲k̲ế̲,̲ ̲m̲ô̲ ̲p̲h̲ỏ̲n̲g̲ ̲v̲à̲ ̲t̲r̲ả̲i̲ ̲n̲g̲h̲i̲ệ̲m̲ ̲c̲u̲ộ̲c̲ ̲s̲ố̲n̲g̲
- Cô giáo giới thiệu với các bạn nhỏ quyển sách kể về một chú mèo tìm được một chiếc thùng giấy rất to và muốn biến chiếc hộp đó thành một chiếc xe tải.
Cả lớp lắng nghe câu chuyện, và sau rất nhiều sự thảo luận, các bạn nhỏ quyết định cũng sẽ tìm một chiếc thùng giấy to như vậy và biến chiếc thùng đó thành một chiếc xe bus.
- Từ ý tưởng này của các con, cô giáo và các bạn học sinh dành một buổi sáng để quan sát xe bus của trường, ghi chú và vẽ lại những chi tiết, bộ phận của xe bus.
Khi trở về lớp, các em bé sẽ lên danh sách các vật dụng và các bước cần thiết để mô phỏng chiếc xe bus mà các con đã quan sát, rồi cùng nhau thực hiện biến bản thiết kế thành sự thật.
- Các con cũng dành một buổi khác để thảo luận về trải nghiệm đi xe bus của mình, nói chuyện với bác tài xế về những gì bác cần làm mỗi ngày, nói chuyện với ba mẹ về cách đi xe bus.
Khi về lớp, các con sẽ phân vai với nhau, bạn thì làm bác tài xế, bạn thì làm người lơ xe, bạn thì làm hành khách, thực hiện những chuyến đi trong tưởng tượng đến những địa điểm khác nhau trong thành phố.
N̲h̲ữ̲n̲g̲ ̲h̲o̲ạ̲t̲ ̲đ̲ộ̲n̲g̲ ̲r̲è̲n̲ ̲l̲u̲y̲ệ̲n̲ ̲t̲â̲m̲ ̲t̲r̲í̲
Những hoạt động khác để rèn luyện các thói quen tâm trí cho các con:
- Dự đoán xem bao nhiêu món đồ có thể đựng vừa trong từng chiếc hộp
- Bỏ các loại nguyên liệu khác nhau vào hộp để tạo ra những chiếc trống và cảm nhận sự khác biệt
- Tự tạo ra những chiếc hộp theo ý muốn của mình từ những nguyên vật liệu khác nhau; làm thí nghiệm để xem vật liệu nào có thể chống nước, có thể đựng được những thứ khác nhau như thế nào.
Rất những ý tưởng mà cô giáo và các em bé có thể cùng nghĩ ra và thực hiện để xây dựng được niềm yêu thích, sự tò mò với chủ đề mà các con đang nghiên cứu.
----
Học tập theo DỰ ÁN (Project-based learning) mang lại LỢI ÍCH gì?
- Thông qua quá trình học tập theo dự án, các em bé được khám phá tri thức theo CHIỀU SÂU, được thực hành khoa học, toán học, kỹ thuật, công nghệ, nghệ thuật (STEAM), kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp và hàng loạt các kỹ năng tư duy bằng những hoạt động đến từ niềm yêu thích, động lực bên trong của các con.
- Các em bé luôn được đặt ở trung tâm của việc học, việc “lao động” và vui chơi. Các con là những người tạo ra những giá trị có ý nghĩa với cuộc sống trong THỰC TẠI của mình và mọi người xung quanh chứ không chỉ chuẩn bị cho một tương lai xa xôi nào đó.
- Hãy thử tưởng tượng khi chỉ mới 2-5 tuổi mà các em bé đã học sâu, học kĩ, học cách học, học cách chú tâm, tập trung và nỗ lực cho những công việc của mình trong hiện tại như thế này thì Ý NGHĨA về việc học với các con sẽ thay đổi ra sao.
Như vậy, việc học trong tâm trí con sẽ là nhàm chán, vô vị hay đầy say mê và hạnh phúc?
Mình tin rằng những em bé có cơ hội được “tắm mình” trong những trải nghiệm học tập như thế này khi lớn lên, các con sẽ có thể vững vàng hơn rất nhiều trên hành trình HỌC TẬP SUỐT ĐỜI (Lifelong learning) của mình, nơi mà Ba Mẹ và Thầy Cô không thể đồng hành mãi, ngồi bên cạnh con mãi.
Nếu ba mẹ cứ luôn băn khoăn vì sao con lên cấp 1, cấp 2, cấp 3 lại không thích học, chán học, không thể tập trung trong việc học, không biết mình thích gì, đam mê gì, lý do có thể nằm ngay trong cách con đang học ngay từ những năm đầu đời này.
----
Xin gửi tặng Ba Mẹ và các Thầy Cô một mô hình mình đã tổng hợp dựa trên ý tưởng và các nguyên lý về thực hiện Giáo dục Dự án của Tiến sĩ Lilian Katz và các cộng sự, cũng như công thức MIERA về học tập thông qua chơi mình đã trình bày trong bài viết đầu tiên của series.
Trong phạm vi bài viết lần này, sẽ thật khó để có thể giải thích cụ thể từng yếu tố trong mô hình, nếu có những thắc mắc hoặc muốn thảo luận sâu hơn, mọi người cứ để lại bình luận hoặc liên hệ trực tiếp với mình nhé.
- Linh Hồ -
Tiến sĩ và Thạc sĩ Giáo dục học tại Vương Quốc Anh
Cám ơn bài viết của chị ạ. Chị có thể chia sẻ giúp em các tài liệu hoặc hướng dẫn chi tiết, cụ thể của cách học thông qua project này để có thể tự thực hành ở nhà với con được không ạ? Với tình hình kinh tế hiện tại thì tụi em không đủ khả năng để đầu tư cho con một môi trường mầm non "lý tưởng" với các phương pháp giáo dục tiên tiến, lấy trẻ làm trung tâm, do đó em cũng mong muốn được tìm hiểu và thực hành các phương pháp đó tại nhà để phần nào rèn luyện và phát triển được khả năng của con ạ