Vừa qua, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đưa ra yêu cầu là giáo viên không được trả bài đầu giờ học sinh theo kiểu bất ngờ, áp lực, học thuộc lòng một cách máy móc nữa.
Một cuộc chiến quan điểm bỗng bùng nổ. Điều thú vị nhất với sự kiện này là gần như lần đầu tiên, làn sóng phản đối quan điểm được cho là “tiến bộ” như thế này xuất hiện một cách rõ ràng và mạnh mẽ đến vậy. Đây là điều đáng vui hay đáng buồn?
Với góc độ nghiên cứu về đổi mới giáo dục của mình thì đây là điều đáng vui. Đáng vui vì sự kiện lần này đã đủ độ “tức” để giúp những người trong lòng có nhiều phản đối, băn khoăn trước đường lối đổi mới giáo dục đã phải lên tiếng. Có lẽ trước nay họ vẫn phản đối và băn khoăn đấy chứ nhưng không có cơ hội, hoặc không muốn nói ra.
Mà khi không nói ra, ta cứ ngỡ như cả xã hội đều cùng đồng lòng. Vậy mà nghịch lý là sao cứ cố gắng đổi mới hoài vẫn không được? Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng muốn đổi mới thành công, mọi người cần phải nhìn về một hướng. Đến hôm nay, có thể thấy rằng mọi người vẫn chưa đồng lòng và cùng nhìn về một hướng! Thật tốt vì thông qua sự việc này điều này đã trở nên rõ ràng.
Những người phản đối chính sách lần này là vì cho rằng học tập không thể lúc nào cũng vui vẻ, nhẹ nhàng. Họ tin rằng không có kỷ luật, không có áp lực thì học sinh không chịu học. Mọi người cho rằng chính khả năng chịu đựng áp lực, tinh thần “chịu học” chính là điều kiện để trở thành những người học thành công. Áp lực tạo nên kim cương. Và sức ép từ việc trả bài miệng đầu giờ dường như là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong nhiều thập kỉ của giáo dục Việt Nam giúp đảm bảo học sinh rèn luyện thái độ “chịu học”.
Vài năm qua vừa qua, giáo viên dần bị tước mất trong tay rất nhiều những công cụ như vậy, từ kiểm tra, thi cử, điểm số, hình phạt cho đến cả lời nhắc nhở học sinh khi vi phạm. Và có vẻ câu chuyện trả bài đầu giờ lần này là trạng thái “tức nước vỡ bờ”, công cụ cuối cùng và cũng là hữu hiệu nhất mà giáo viên nắm trong tay giờ cũng có nguy cơ bị lấy mất. Như vậy, đối với nhiều giáo viên, họ không còn lại gì để đảm bảo học sinh nghiêm chỉnh học tập. Những người đứng quan sát từ bên ngoài cũng cảm thấy hoang mang, lo ngại vì sợ rằng nếu giáo viên không còn cách nào để bắt học sinh học, giáo dục sẽ trở nên dễ dãi và kém hiệu quả.
Mình nhìn thấy bắt đầu xuất hiện những hoài nghi về một loạt các khái niệm, ý tưởng giáo dục “mới” như: học tập thông qua vui chơi, trường học hạnh phúc, lấy người học làm trung tâm. Thì ra mọi người hoài nghi nhiều đến thế, chỉ là không nói ra!
Lo ngại của mọi người có hợp lý không, theo mình là hoàn toàn hợp lý. Mình không đồng tình lắm nếu những người ủng hộ ý tưởng được cho là “tiến bộ” đi phê bình, phê phán, chê trách những người “hoài nghi”, cho đó là những người lạc hậu, bảo thủ. Mình thấy việc công kích cá nhân qua lại như vậy không giải quyết được “nỗi đau” nào của ai hết. Điều cần làm hơn là nên cố gắng hiểu vì sao những người không ủng hộ lại không ủng hộ, niềm tin nào đang chi phối đằng sau sự không ủng hộ của họ. Theo mình, có hai điểm chính:
1. Nhiều người tin rằng việc học tập và nỗ lực nói chung không thể tránh khỏi khổ sở, mệt mỏi, căng thẳng.
2. Và nhiều người tin rằng không có áp lực từ bên ngoài, người học sẽ không nỗ lực học tập.
Không giải quyết được hai niềm tin cốt lõi này thì không thể thuyết phục được ai điều gì cả.
Trong khi đó, nền giáo dục của chúng ta, nền giáo dục đã đưa Việt Nam và rất nhiều quốc gia Châu Á luôn đứng đầu các giải thưởng quốc tế và cả bảng xếp hạng PISA đều lấy hai niềm tin này làm trụ cột. Học sinh Châu Á nhìn chung khi ra nước ngoài cũng là những sinh viên chăm chỉ và có năng lực học thuật đáng nể, đặc biệt với các môn tự nhiên, là nhờ việc các bạn chịu được căng thẳng và có rất nhiều áp lực từ bên ngoài để thúc đẩy học tập.
Mình chỉ xin góp vài ý đơn giản ở đây vì để giải thích cụ thể hơn có thể sẽ phải mất vài buổi trò chuyện chuyên sâu.
Về niềm tin thứ nhất, theo mình cách đơn giản nhất là mọi người hãy chịu khó dành thời gian và có một cái tâm tĩnh lặng để quan sát một đứa trẻ, nhất là trong giai đoạn các em từ 2-6 tuổi. Ở độ tuổi này, các em có thể tập trung làm rất nhiều thứ một cách rất say mê và chú tâm mà vẫn giữ được sự vui vẻ, ngay cả khi với người lớn đó chỉ là những việc làm vô nghĩa.
Không phải các em không biết mệt, nhưng khi đã say mê một điều gì đó, cảm giác mệt mỏi không giống với sự khổ sở.
Những người đã từng trải qua cảm giác này, cảm giác đam mê, tập trung với một thứ gì đó bất chấp cả sự mệt mỏi chắc sẽ hiểu được trạng thái đó có tồn tại. Còn với ai chưa từng trải qua, chưa quan sát thấy thì thật khó để họ tin tưởng.
Cá nhân mình đã chứng kiến một em bé chỉ khoảng hơn 2 tuổi một chút dành gần 3 tiếng đồng hồ trọn vẹn để làm việc với các học cụ hết sức nghiêm túc và lâu lâu vẫn nở nụ cười, ôm lấy cô giáo một cách hạnh phúc. Nếu một em bé nhỏ như vậy có thể làm được điều này, vậy chứng tỏ đây là một khả năng vốn có của con người. Vậy thì tại sao những người lớn hơn không thể làm được? Hay chính cách học, cách kiểm tra đánh giá hiện tại, môi trường giáo dục hiện tại đã làm phai mờ đi khả năng đó đến nỗi người ta không còn tin vào điều đó là điều có thể xảy ra?
Về niềm tin thứ hai, về vai trò của áp lực từ bên ngoài. Mình thường giới thiệu với sinh viên của mình và những người quan tâm về sự khác biệt giữa hai khái niệm động cơ bên trong (intrinsic motivation) và động cơ bên ngoài (extrinsic motivation). Có một loại động cơ thứ ba nữa nhưng hơi phức tạp mình tạm không bàn ở đây.
Động cơ bên ngoài là những điều như thưởng, phạt, áp lực đến từ người khác, từ xã hội thúc đẩy con người làm một điều gì đó. Động cơ bên trong là những thôi thúc xuất phát từ chính bên trong con người mình, từ niềm vui, sự thích thú, thỏa mãn và tò mò thuần túy.
Những năm qua những gì Bộ và hệ thống giáo dục đang cố gắng giải quyết khi đổi mới chính là dần bỏ đi những công cụ tạo ra các động cơ bên ngoài và thay bằng những cách làm tạo nên động cơ bên trong.
Các tác giả Deci và Ryan, những người gần như là cha đẻ của khái niệm này đã nói khá rõ rằng, không phải là động cơ bên ngoài không có tác dụng. Thật sự chúng rất hiệu quả trong việc điều khiển và kiểm soát hành vi của con người. Nhưng vấn đề của động cơ bên ngoài là khi chúng không còn ở đó, người ta sẽ dừng hành động. Nếu làm việc chỉ thuần túy vì được trả lương. Khi không được trả lương nữa, bạn có còn làm việc không?
Còn khi làm việc, học tập vì động cơ bên trong, vì nó xuất phát từ trong chính con người bạn, nó không dễ dàng để mất đi.
Những tư tưởng giáo dục “tiến bộ” nhìn chung là hướng đến việc thiết lập động cơ bên trong để người học có thể học tập suốt đời mà không cần có bất kì ai nhắc nhở, đôn đốc, kiểm tra. Học tập vì niềm yêu thích học tập, như một cỗ máy có khả năng tự tạo ra nhiên liệu để hoạt động liên tục mà không cần ai bổ sung vào. Kỷ luật nội tại quả thật là một điều lý tưởng.
Nhưng lý tưởng đó có tồn tại hay không?
Một lần nữa, mình xin mời những ai còn chưa tin điều này quan sát các em bé mầm non trong các lớp học với các tiếp cận phi truyền thống như Montessori hay Reggio Emilia. Các em làm việc say mê mà không có bất kì áp lực nào từ giáo viên, đặc biệt là điểm số. Vậy tại sao các em bé mầm non làm được mà người lớn không làm được?
Mình thấy nhiều người đang tranh cãi mà không hiểu rõ được bản chất vấn đề. Khi nghe thấy Sở Giáo dục TP.HCM yêu cầu không áp lực việc trả bài miệng nữa thì lập tức nghĩ rằng Sở đang cố xúy cho việc học nhẹ nhàng, dễ dãi. Phụ huynh đưa ra tình huống thực tế rằng con họ ham học đến nổi ngăn lại cũng không được vậy mà Sở nói vậy chẳng khác nào họ phải ép con bớt học lại. Nhiều người phản đối ý kiến của Sở vì nghĩ rằng đổi mới giáo dục đang biến trẻ con thành những đứa trẻ lười biếng!
Nhưng không phải vậy, tinh thần đổi mới đúng đắn ở đây chính là thay thế những công cụ tạo ra động lực bên ngoài bằng những công cụ tạo ra động lực bên trong. Khi có động lực bên trong, đứa trẻ vẫn có thể rất chăm chỉ và nỗ lực. Nhưng điểm khác biệt là ngay cả khi không có cô giáo yêu cầu trả bài, không có phụ huynh bên cạnh nhắc nhở, trẻ vẫn học. Đó là mục tiêu đổi mới thật sự. Mình không tin có ai lại không muốn điều này cho con cái và học sinh của mình!
Tuy thế, phải đặt ra câu hỏi khách quan rằng:
Chúng ta đã có những giáo viên hiểu được tường tận mục tiêu đổi mới này chưa, biết cách và có khả năng, có môi trường để sử dụng các công cụ xây dựng động lực bên trong cho học sinh hay chưa?
Nếu chưa, thì quả thật là một thảm họa vì như vậy người học sẽ không còn bất kì động lực nào hết. Học sinh trở thành những cỗ máy trống rỗng không có bất kì loại nhiên liệu nào dù là tự tạo ra hay được cấp từ bên ngoài.
Như vậy có ba nhiệm vụ cần làm hiện nay của ngành giáo dục:
1/ Giải thích với giáo viên về mục tiêu cần đạt được và lý do nền tảng cho việc đổi mới;
2/ Cung cấp, hướng dẫn, rèn luyện và tạo điều kiện để nhà trường và giáo viên biết cách tạo động lực bên trong cho học sinh;
3/ Thông tin và giao tiếp với xã hội để mọi người biết được rằng những giải pháp đang được thực hiện là có hiệu quả.
Mình tin rằng khi làm tốt cả ba điều này sẽ không còn nhiều những ý kiến phản đối nữa. Khi mọi người đã thấy được thực tế là có những học sinh có áp lực học tập đủ lớn để tạo ra kim cương, nhưng áp lực đó đến từ chính niềm đam mê và yêu thích của các em, thì mọi người sẽ ngừng hoài nghi. Còn ngày nào mọi người chưa thấy điều đó, việc hoài nghi là không thể tránh khỏi.
Mình đã từng viết trong bài viết về Giáo dục Phần Lan rằng sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội khi thực hiện đổi mới là rất quan trọng. Niềm tin không từ trên trời rơi xuống mà xuất phát từ sự đồng thuận.
Nhưng sự đồng thuận cũng không từ trên trời rơi xuống. Phải có sự trao đổi, thấu hiểu, quan sát, chứng minh, thuyết phục và cả đồng hành.
Trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với các nhà giáo, cán bộ ngành giáo dục vào tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thẳng thắn thừa nhận rằng "Chúng ta chưa làm cho xã hội thấu hiểu được chúng ta". Mình hoàn toàn đồng ý với ý kiến này của Bộ Trưởng.
Ngoài ra mình cũng muốn bổ sung thêm một ý cuối cùng. Có lẽ sẽ có ai đó thấy khó hiểu vì sao mình đang nghiên cứu về giáo dục phổ thông mà cứ suốt ngày bàn chuyện Giáo dục mầm non và tìm hiểu về các mô hình Giáo dục mầm non. Câu trả lời là vì mình tìm thấy được ở Giáo dục mầm non lời giải cho việc tạo ra động lực bên trong cho học sinh.
Một người Cô của mình đã nói một câu mà mình rất thấm là:
Sai lầm lớn nhất của việc xây dựng chương trình Giáo dục phổ thông hiện nay là người ta không sử dụng những tri thức và thực tiễn rất hay của Giáo dục mầm non mà lại sao chép các mô hình của Giáo dục đại học.
Điều này thật sự rất đáng tiếc!
Với những ai muốn có niềm tin và động lực tích cực để đổi mới giáo dục, mình mong mọi người hãy tìm hiểu nhiều hơn về Giáo dục mầm non. Nơi đó, những câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong lý tưởng đã và đang trở thành những sự thật hằng ngày!
Linh Ho
-Nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ Giáo dục học tại Vương Quốc Anh-