Mọi người thường hỏi mình đang nghiên cứu về vấn đề gì? Thật ra trong gần 7 năm qua, mình vẫn luôn nghiên cứu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc triển khai Chương trình, Sách giáo khoa (SGK) mới ở một số trường tiểu học công lập tại Việt Nam. Mình cũng đã từng tham gia một phần trong quá trình chuẩn bị biên soạn SGK mới trước khi bắt đầu chương trình học Tiến sĩ.
Vì đây là đề tài mà mình tâm huyết nhiều năm và là một việc lớn của ngành Giáo dục nên xin được phép đóng góp một vài góc nhìn dựa trên những kết quả nghiên cứu và quan sát cá nhân xung quanh câu chuyện cũng đang thu hút nhiều sự quan tâm trong mấy ngày gần đây:
Nên tiếp tục thực hiện “1 chương trình – nhiều bộ SGK” hay quay lại thực hiện “1 chương trình – 1 bộ SGK” như một số đề nghị hiện tại?
Mình đồng ý với nhận định của Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn rằng sự tranh cãi này xuất phát từ những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của SGK. Một bên cho rằng SGK là rất quan trọng, là yếu tố cốt lõi trong việc dạy và học nên cần được tập trung nguồn lực để tạo ra một bộ sách tốt nhất, sử dụng chung trong cả nước. Còn một bên lại cho rằng SGK chỉ là 1 trong các học liệu và nên có sự đa dạng để nhà trường, giáo viên, học sinh có thể lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu riêng.
Thế thì SGK quan trọng đến mức nào?
Dưới đây là một số quan điểm về lợi ích và vai trò của SGK trong các đề tài nghiên cứu và bàn luận về SGK từ kinh nghiệm quốc tế.
- SGK tạo ra sự mạch lạc, thống nhất trong nội dung học tập.
- SGK giúp phụ huynh dễ theo dõi, hỗ trợ việc học của con cái.
- Học sinh nhỏ tuổi đọc tài liệu trên giấy tốt hơn trên các thiết bị điện tử.
- Học sinh dễ lưu giữ nội dung học tập hơn việc so với việc có quá nhiều những tài liệu học tập rời rạc.
- SGK giúp giảm tải công việc cho giáo viên.
- SGK đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp học liệu cho học sinh ở những khu vực có sự hạn chế về việc tiếp cận các tài nguyên học tập khác. Một số quốc gia nhìn nhận được tầm quan trọng của SGK trong việc giảm thiếu khoảng cách xã hội nên cung cấp SGK miễn phí cho tất cả học sinh công lập (VD: Malaysia, Thụy Điển).
Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản đối sự tồn tại của SGK, chủ yếu xoay quanh việc:
SGK tạo ra sự phụ thuộc và ràng buộc trong việc thiết kế hoạt động học tập, hạn chế tính sáng tạo, linh hoạt của giáo viên. Từ đó, gây khó khăn trong việc cá nhân hóa học tập cho học sinh. Việc cập nhật – đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy do vậy cũng có thể chậm trễ so với sự biến đổi nhanh chóng của thế giới hiện đại.
Mục tiêu của việc sử dụng "1 chương trình – nhiều bộ SGK" tại Việt Nam:
Tạo ra sự thống nhất chung về mặt chương trình nhưng đồng thời khuyến khích tính đa dạng, sáng tạo trong việc xây dựng nội dung, phương pháp giảng dạy, chọn lựa học liệu. Từ đó, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới các phương thức giảng dạy, hướng đến lấy người học làm trung tâm, phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.
Thực tế triển khai chính sách “1 chương trình – nhiều bộ sách giáo khoa” tại Việt Nam:
- Quá trình biên soạn SGK không thật sự kĩ lưỡng, số lượng tác giả có chuyên môn và kinh nghiệm không nhiều nhưng phải phân chia cho nhiều nhà xuất bản/ bộ sách, đồng thời, thời gian cho việc viết sách gấp rút, khả năng thẩm định sách còn hạn chế, dẫn đến chất lượng một số bộ sách có vấn đề, không thật sự chuyển tải được trọn vẹn tinh thần của Chương trình 2018.
- Có sự tranh cãi, chồng chéo, nhập nhằng trong quy định ai là người sẽ chọn sách, nhà trường hay Hội đồng do Ủy ban nhân dân các Tỉnh/Thành thành lập. Việc cạnh tranh giữa các nhà xuất bản để đưa sách vào các trường dẫn đến phí chiết khấu cao, kèm theo các vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm làm cho giá sách tăng, nhiều gia đình vất vả để mua sách cho con.
- Việc có nhiều bộ sách khác nhau, mỗi trường có thể chọn một bộ sách hoặc thay đổi sách sau một vài năm dẫn đến sách cũ không dùng lại được, gây lãng phí cho gia đình và xã hội.
- Giáo viên cảm thấy khó khăn trong việc trao đổi chuyên môn với nhau vì các trường và các cấp học sử dụng sách không đồng nhất.
- Có sự không thống nhất giữa nội dung học tập và nội dung kiểm tra đánh giá. Có thể dạy theo sách này nhưng lại phải kiểm tra đánh giá theo sách khác.
- Trong thực tế, giáo viên vẫn giảng dạy phụ thuộc nhiều vào SGK hơn là sử dụng các tài liệu bên ngoài vì lo ngại bị đánh giá, phê bình nếu sử dụng tài liệu không đúng theo ý thanh tra, nhà xuất bản. Một số giáo viên cũng không đủ năng lực và điều kiện để tự chọn lọc các tài nguyên giảng dạy và học tập phù hợp với học sinh.
- Vì những lý do như trên, có hiện tượng dần dần các trường hướng đến chọn sử dụng chung một bộ sách giống nhau chứ không đúng tinh thần của chính sách nữa (VD: 80% trường tiểu học tại TP.HCM chọn sách Chân trời sáng tạo - NXB Giáo Dục Việt Nam)
Nhìn chung những mục tiêu của việc sử dụng “1 chương trình – nhiều bộ SGK” dường như là đang không đạt được trong mắt giáo viên và xã hội vì: chất lượng sách dường như không cải thiện rõ rệt, giá sách tăng, gây lãng phí, thực tế là các nhà trường cũng dần hướng đến chọn chung 1 bộ sách.
Như vậy đây là lỗi của ai, sai từ đâu và nên làm gì?
Định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện tại theo hướng mở, tiệm cận khá tốt với các quan điểm lấy người học làm trung tâm, đổi mới theo hướng phát triển năng lực chứ không chỉ tập trung vào truyền tải kiến thức.
Với mục tiêu này, việc sử dụng “1 chương trình – nhiều bộ SGK” là một chính sách tương thích về mặt định hướng để giảm nhẹ vai trò và sự ràng buộc của SGK với giảng dạy – học tập.
SGK tại Việt Nam trong một giai đoạn rất dài đóng vai trò là “pháp lệnh”. Có một nghiên cứu của một tác giả cho rằng nền giáo dục ở Việt Nam là nền giáo dục lấy SGK làm trung tâm chứ không phải người học, cũng không phải người thầy làm trung tâm. Đây cũng là một nhận định đáng suy nghĩ.
Trên thế giới, nhiều nơi đã hình thành phong trào chống lại SGK. Như tại nước Anh, theo thống kê năm 2014 chỉ có 10% giáo viên đang sử dụng SGK môn Toán so với tỷ lệ 70% tại Singapore và 95% tại Phần Lan.
Vậy thì SGK có thật sự cần thiết không?
Theo mình câu trả lời là Có và Không.
Như đã trình bày ở trên, SGK có những vai trò quan trọng và gần như không thể thay thế trong điều kiện: trình độ của giáo viên chưa đồng đều; phương pháp giảng dạy thiên về “một cho tất cả” thay vì cá nhân hóa và lấy học sinh làm trung tâm; các tài liệu bổ trở ít, không đảm bảo chất lượng, khó tiếp cận; hệ thống kiểm tra đánh giá yêu cầu tính chuẩn hóa cao. Trong điều kiện này, SGK giúp giữ cho việc giảng dạy và học tập đảm bảo chất lượng tối thiểu, ổn định, thống nhất trong cả nước.
Tuy nhiên SGK có thể không quá quan trọng trong điều kiện: chất lượng giáo viên đồng đều; giáo viên có năng lực đủ tốt để tự ra quyết định và chọc lọc tài nguyên học tập; có một hệ thống tài nguyên hỗ trợ có chất lượng, đa dạng, dễ tiếp cận; phương pháp giảng dạy chuyển dịch rõ rệt về hướng lấy người học làm trung tâm; giáo viên cảm thấy thoải mái và được tạo điều kiện để phát huy tự chủ, sáng tạo; chương trình khung rõ ràng, giáo viên hiểu rõ và tin tưởng vào chương trình; phương thức kiểm tra đánh giá không gây áp lực chuẩn hóa kết quả; có một hệ thống thu thập, lữu trữ thông tin về quá trình học tập của học sinh hợp lý; có sự kết nối hiệu quả với phụ huynh để trao đổi và hỗ trợ quá trình học tập của học sinh mà không cần thông qua SGK.
Hiện nay những điều kiện này hầu như đều không đảm bảo tại Việt Nam, do đó việc giảm nhẹ vai trò của SGK hoặc hướng đến không dùng SGK hầu như là không khả thi ở thời điểm này.
Tuy vậy, vấn đề là nếu đảo ngược lại chính sách, quyết định thực hiện 1 bộ SGK chung như ban đầu thì lại có thể tạo ra sự thất vọng lớn trong ngành vì dường như đây là dấu hiệu của sự từ bỏ. Như Bộ trưởng có nói, có thể “tạo ra sự hỗn loạn trong việc triển khai chương trình”. Ta không cải tiến nữa mà là cải lùi ư? Thông điệp ẩn từ việc đảo ngược chính sách này có làm cho giáo viên mất niềm tin ở việc đổi mới, mất niềm tin vào ngành giáo dục và gặp khó khăn hơn khi muốn đổi mới mạnh mẽ hơn không? Đến một lúc nào đó, chẳng lẽ lại đổi chính sách thêm lần nữa? Vì thế, những nhà khoa học, nhà giáo dục có tâm huyết với chương trình mới dường như đang cảm thấy quan ngại với dự định này. Tuy nhiên những trăn trở của người dân, Chính phủ và Quốc Hội về những thực trạng hiện tại của SGK cũng rất hợp lý.
Góc nhìn từ nghiên cứu của mình thì đây là một trường hợp thực tiễn rất thú vị, rất điển hình cho việc triển khai thay đổi một cách đột ngột và quá tham vọng ở một khía cạnh riêng lẻ, không tương thích với các khía cạnh khác của hệ thống giáo dục.
Từ đó, dẫn đến hiện tượng “đào thải sau cấy ghép”, giống như việc cấy ghép một bộ phận không phù hợp với cơ thể nên bị đào thải một cách tự nhiên.
Nói cách khác, khi các điều kiện, khía cạnh khác của nền giáo dục không có sự thay đổi lớn, thì cho dù quyết định là có dùng 1 bộ sách mới hay nhiều bộ sách như hiện tại thì cũng không thể đạt được kết quả đổi mới như kỳ vọng.
Tuy nhiên, vì đã lỡ đánh nước cờ này xuống rồi, nên nếu như có thể đưa ra gợi ý về mặt chính sách ở thời điểm này, mình nghĩ rằng có lẽ việc chọn nước đi tiếp theo nào cũng không hoàn toàn đúng và không hoàn toàn sai. Vấn đề là mỗi cách làm đều có tác dụng phụ và cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng để vẫn đi đến đích như đã định và hạn chế những tổn hại lâu dài:
1) Nếu vẫn muốn thực hiện “1 chương trình – nhiều bộ SGK” thì vấn đề giá sách cao bất hợp lý cần phải được khắc phục, việc tránh lãng phí và phải có đủ sách cho học sinh học cũng rất quan trọng. Chất lượng sách không đảm bảo thì cần có sự điều chỉnh. Ngoài ra cần bổ sung các tài liệu khác dễ tiếp cận, miễn phí, có chất lượng để giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng không cần phụ thuộc vào SGK. Việc thông tin, truyền thông một cách thuyết phục cho xã hội thấy được những thành quả đổi mới cho đến thời điểm hiện tại, trong đó có đóng góp một phần của các bộ sách mới cũng là một yếu tố rất đáng cân nhắc.
2) Nếu quay lại thực hiện “1 chương trình – 1 bộ SGK”, phải đảm bảo bộ sách mới được viết đúng tinh thần của chương trình mới và việc triển khai cần có những bước đi phù hợp để dần giảm nhẹ vai trò của SGK, hướng đến đa dạng học liệu.
Ngoài ra cần giao tiếp, thông tin thật rõ ràng đến giáo viên và phụ huynh về bản chất của vấn đề, giữ cho mọi người tin vào công cuộc đổi mới, để mọi người hiểu rằng đây không phải là bước lùi sâu mà chỉ là vì trước đây đi quá vội, nên cần có sự điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện hiện tại.
Thật ra nếu làm vậy thì không phải là trường hợp ngoại lệ mà đã có tiền lệ, như trong việc sửa đổi Thông tư 30 về đánh giá học sinh ở tiểu học và nhận được sự ủng hộ của đại đa số giáo viên. Tuy nhiên trong tình huống này, việc xử lý toàn bộ các SGK mới vừa viết và xuất bản thật sự là một việc khá nan giản. Phải chăng đây là cái giá phải trả cho việc làm một điều mà ta chưa sẵn sàng?
Và cuối cùng, dù cho chọn phương án nào thì điều quan trọng nhất vẫn là phải tối ưu hóa nguồn lực để hỗ trợ giáo viên và cả những người biên soạn sách phát triển chuyên môn tương thích với mục tiêu hiện tại của chương trình mới. Còn chưa làm được việc này, theo mình, mọi giải pháp ở những vấn đề khác đều chỉ cho ra kết quả tổng thể gây thất vọng so với mục tiêu đặt ra.
Năng lực chuyên môn của giáo viên và hệ thống hỗ trợ phát triển chuyên môn luôn là “vấn đề lõi” cần đổi mới trước hoặc ít ra là đồng bộ với những vấn đề khác.
Mình rất thích câu nói của Fullan – một nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về đổi mới giáo dục:
“Chúng ta không thể trồng những bông hoa hồng trên những tảng bê tông”.
Đổi mới giáo dục không chỉ là đổi mới việc làm gì mà chủ yếu là phải đổi mới các điều kiện để thực hiện việc đó.
P/S: Đây không phải là một bài viết học thuật thuần túy và có một số kết luận rút ra từ kết quả nghiên cứu chưa công bố của mình nên nếu có bạn đọc nào quan tâm về nguồn thông tin của các nhận định này thì có thể liên hệ, mình sẽ thảo luận chi tiết hơn nhé.
------
Linh Ho
- Nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ Giáo dục học tại Vương Quốc Anh -
Một bài viết rất kỳ công và chất lượng, cho thấy nhiều góc nhìn về sách Giáo khoa và vấn đề cốt lõi của Giáo dục Việt Nam. Chân thành cảm ơn tác giả.