Chọn sống như ý hay bất như ý?
Chọn lựa hướng đi cho cuộc đời và đôi điều về Chủ nghĩa Hậu thuộc địa (Post-colonialism)
Năm 2020, công ty Generali Vietnam bắt đầu thực hiện một Chiến dịch mang tên: Sống Như Ý. Chiến dịch bao gồm một series phim âm nhạc nhằm truyền cảm hứng sống tích cực đến cộng đồng. Bài viết này mình đã viết vào tháng 03 năm 2020 để ghi lại những suy nghĩ của mình sau khi xem bộ phim “Chẳng cần như ai, chỉ cần như ý” trong series này.
Bộ phim ngắn, chỉ khoảng hơn bốn phút rưỡi một chút, nói về những lựa chọn cho con đường sự nghiệp và cuộc sống của những người phụ nữ trong thế giới hiện đại. Năm cô gái với năm sự lựa chọn.
Trong đó có một cô gái đã từ bỏ công việc đầy hứa hẹn sau khi ra trường để trở thành một người mẹ “toàn thời gian” vì muốn chăm sóc con mình một cách trọn vẹn nhất. Những người bạn của cô tỏ vẻ hoài nghi, bối rối và thậm chí “thương hại” cho sự lựa chọn này của cô. Họ gọi cô là “Em gái bị trúng lời nguyền”. Nhưng chỉ có cô gái ấy, nay đã trở thành một người mẹ, mới hiểu được niềm hạnh phúc mà cô có được trong công việc “làm mẹ” của mình.
Bộ phim làm mình nhớ đến buổi thảo luận trong một giờ học cách đây vài năm khi mình còn đang theo học chương trình Thạc sĩ Giáo dục học. Buổi học giới thiệu về Chủ nghĩa Hậu thuộc địa (Post-colonialism) - lý thuyết nghiên cứu những hệ quả về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa từ quá trình bị thuộc địa hóa. Với Việt Nam - một quốc gia là đối tượng của quá trình thuộc địa khi bị xâm lược bởi hàng loạt những quốc gia hùng mạnh như Trung Quốc, Pháp hay Mỹ, nghiên cứu về tác động của quá trình Hậu thuộc địa cũng là một đề tài đáng quan tâm.
Một trong những câu hỏi và vấn đề được nêu ra trong buổi thảo luận hôm ấy là: Phải chăng người dân của các quốc gia từng là nước thuộc địa, các quốc gia “phương Đông” hay các quốc gia đang hoặc kém phát triển có xu hướng mặc định rằng những giá trị, những lối sống đến từ các quốc gia “phương Tây” là đương nhiên tốt đẹp, đáng mơ ước và đáng hướng đến hơn?
Các quốc gia “phương Tây” cũng luôn cố gắng để gia tăng sức ảnh hưởng của mình lên các quốc gia khác thông qua các công cụ chính trị và văn hóa. Và họ thật sự làm được điều đó rất tốt! Đương nhiên có những giá trị tốt đẹp và tiến bộ mà chúng ta cần phải học tập. Nhưng câu hỏi đặt ra là có thể nào đến một lúc nào đó,
những giá trị cứ ngỡ là tốt đẹp ấy trở thành những “tiêu chuẩn bắt buộc” cho cái gọi là “một cuộc sống đáng mơ ước”? Và nếu bạn không đạt được những tiêu chuẩn đó, bạn nghiễm nhiên trở thành một cá nhân thất bại?
Một cô gái được nuôi dưỡng và lớn lên trong một nền văn hóa định nghĩa hạnh phúc là phải tài năng, xinh đẹp, độc lập, thành công trong sự nghiệp, khi tự nguyện lựa chọn trở thành “mẹ bỉm sữa” sẽ phải đối mặt với những đánh giá thế nào của xã hội?
Có phải chăng chúng ta chỉ đang dịch chuyển từ một thứ tiêu chuẩn cứng nhắc này (người phụ nữ nội trợ, truyền thống) sang một tiêu chuẩn cứng nhắc khác (người phụ nữ hiện đại, văn minh), mà dù cho trong trường hợp nào, sự vi phạm cũng sẽ là không chấp nhận được?
Trong xã hội của chúng ta cũng có những quy tắc “bất thành văn”, những định kiến khác, như: Người chồng tốt phải là người thành đạt, là trụ cột về tài chính trong gia đình? Một người chồng lựa chọn không theo đuổi sự nghiệp để chăm sóc gia đình xem như là thất bại?
Một học sinh tốt là học sinh phải giỏi “giỏi toàn diện”? Một thanh niên tốt thì phải khởi nghiệp thành công hay làm trong các tập đoàn, công ty lớn mới là đáng ngưỡng mộ?
Những tiêu chuẩn như thế không phải chỉ là những thứ tiêu chuẩn chung của xã hội mà trở thành những tiêu chuẩn riêng của mỗi cá nhân, trở thành những lăng kính để chúng ta ngắm nhìn, đánh giá mọi thứ, mọi người xung quanh và đánh giá cả chính bản thân mình. Chúng ta chán ghét, xa lánh, khinh thường những người sống không đúng với tiêu chuẩn của chúng ta. Và chúng ta đau khổ, buồn bã, thất vọng với bản thân khi không đạt được những tiêu chuẩn do chính mình đặt ra.
Có bao nhiêu người, và trong bao nhiêu trường hợp, đủ sáng suốt và dũng cảm để chấp nhận sự thật là: Đôi khi những điều tốt đẹp lại không phải là những điều phù hợp? Và ngay cả khi ta đã dám chấp nhận điều đó, ai sẽ chấp nhận ta?
Bản thân mình cũng vừa trải qua một giai đoạn khi mình phải tự điều chỉnh lại các giá trị sống, chấp nhận buông bỏ một số những ước mơ, hoài bão mà có lẽ mình sẽ không bao giờ đạt được, hoặc nếu được, mình sẽ phải đánh đổi rất nhiều những thứ quý giá khác. Mình đã không thể nào đưa ra được sự lựa chọn này trong một khoảng thời gian rất dài. Mình vẫn luôn cứng đầu và hồn nhiên tin rằng mọi thứ đều có thể nếu mình thực sự cố gắng, chỉ vì: Đó là những điều thật sự tốt đẹp cơ mà!
Nhưng đến một lúc, mình biết rằng cách sống như thế, có lẽ không phù hợp với mình nữa. Mình đã phải tự gỡ bỏ những lăng kính, những tiêu chuẩn mà mình đã đặt ra, hoặc do người khác đặt ra cho mình, để lựa chọn một cuộc sống, tuy có thể không màu sắc bằng, không rực rỡ bằng, nhưng an yên, hạnh phúc hơn. Mình trao món quà của sự “từ bỏ” cho chính mình và cũng là cho những người mà mình yêu quý.
Như vậy, mình đã học cách tha thứ cho bản thân khi không thể trở thành phiên bản mà mình mong muốn.
Có lẽ sẽ rất khó, rất khó để đến một lúc nào đó mà “sống như ý” trở thành một điều dễ dàng cho mình và cho tất cả mọi người. Mình nhận ra rằng, “như ý” không thể từ trên trời rơi xuống. “Như ý” là một sự lựa chọn và là một sự lựa chọn đầy khó khăn, là quá trình phấn đấu, điều chỉnh không ngừng để không những “như ý”, mà còn phải là “như ý để hạnh phúc”.
Và đôi khi, để có được hạnh phúc, “bất như ý” (tạm thời) cũng là cái giá mà ta phải đánh đổi.
Mình chợt nhớ lại một câu nói mà một người bạn đã mất cách đây không lâu vẫn thường nói với mình. Đến giờ đôi khi mình vẫn còn chưa dám tin bạn đã ra đi mãi mãi ở tuổi đời còn rất trẻ.
Bạn nói rằng: “Trưởng thành là quá trình thử - sai, đôi khi không phải để tìm ra điều gì là phù hợp, mà để ta nhận ra điều gì là không phù hợp với mình”.
Sự ra đi đột ngột của bạn lại càng làm mình cảm thấy phải biết trân quý hơn từng giây phút của cuộc sống ngắn ngủi này. Bạn yên tâm nhé, ít ra mình cũng đã biết được đâu là con đường không dành cho mình, để khi nào đó gặp lại bạn mình sẽ có thể kể cho bạn nghe về cuộc sống “bất như ý mà như ý” mà mình đã cố gắng để có được, bạn nhé!
-----------
Linh Ho
- Nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ Giáo dục học tại Vương Quốc Anh
- Giảng viên Khoa Giáo dục - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn ĐHQG- TP.HCM
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Hãy để lại bình luận để mình biết bạn nghĩ gì về bài viết này hoặc gửi cảm nhận của bạn đến email của mình nhé: linhho.themarveller@gmail.com. Mình rất muốn được đọc những chia sẻ của bạn đó!
Ngoài ra, bạn có thể đăng ký email để nhận được bài viết mới nhất. Cảm giác chắc sẽ giống như việc được một ai đó gửi riêng đến bạn một bức thư. Hy vọng những bức thư này sẽ sớm đến tay bạn nha!
Cảm ơn bài viết rất hay của chị. Em thật sự đồng tình với ý kiến của chị về ảnh hưởng của văn hoá phương Tây. Đôi khi do chỉ đơn thuần tiếp xúc qua phim ảnh truyền hình mình dễ tưởng tượng một phương Tây thật văn mình rực rỡ còn Việt Nam mình cái gì cũng lạc hậu kém hơn. Nhưng thực tế nếu được đi trải nghiệm mình mới hiểu ra có những nét văn hoá lối sống của mình thật đáng quý và đáng giữ gìn. Ví dụ như tình làng nghĩa xóm. Sự tin tưởng hỗ trợ nhau giưaz những người hàng xóm, họ hàng. Điều đang không còn nhiều ở những đô thị lớn.
Mình đồng ý, "sống như ý mình" thật sự là một sự lựa chọn khó khăn với rất nhiều đánh đổi. Quan trọng là ta có chấp nhận được một loạt các "trade off" để được như ý hay không.
Mọi người hay nói phụ nữ thời nay sướng hơn xưa nhiều vì có thể tự do làm điều mình thích. Điều này chắc chắn là có phần đúng, do xã hội dần bớt định kiến theo rập khuôn vai trò của từng giới, cụ thể là người nữ thì nên là nội trợ và chăm lo gia đình hay đàn ông là phải xông pha kiếm tiền.
Từ trải nghiệm cá nhân, mình cảm giác được sống "như ý" đối với phụ nữ hiện đại thật sự vẫn còn rất nhiều rào cản, chính bởi những kỳ vọng theo tiêu chuẩn mới cho thế hệ phụ nữ hiện đại. Chẳng hạn như là những phụ nữ được ăn học đến nơi đến chốn thì đến khi lập gia đình vẫn nên vừa có sự nghiệp, vừa chu toàn nuôi con và chăm sóc gia đình, vừa cần tự chủ về tài chính, vừa phải xinh đẹp giữ dáng để "giữ chồng" >.<
Chỉ khi nào, chúng ta có thể gỡ trên vai xuống đôi quang gánh kỳ vọng đó, một bên gánh là kỳ vọng của xã hội, còn bên kia là kỳ vọng do chính bản thân mình áp đặt lên mình, thì mới có thể sống đời như ý thật sự.