Phép màu của giáo dục Phần Lan không phải luôn xảy ra.
Phần Lan là một đất nước khá non trẻ, chỉ mới giành được độc lập từ năm 1917 và tái sinh từ vết thương của chiến tranh và chia cắt. Nằm cạnh hai thế lực khổng lồ là Thụy Điển và Nga, Phần Lan sở hữu vị trí thuận lợi cho giao thương trong khu vực Biển Baltic. Đây vừa là “món quà” của tự nhiên nhưng cũng lại là một “lời nguyền” khiến lãnh thổ Phần Lan đứng trước những xâu xé và tranh đấu không ngừng nghỉ trong suốt hàng trăm năm. Khi đọc về lịch sử Phần Lan, mình nhận ra hình ảnh của Việt Nam khi cả Việt Nam và Phần Lan cùng là những quốc gia nhỏ bé, buộc phải học cách tồn tại trong vòng xoáy quyền lực của các quốc gia hùng mạnh.
Từ trong lịch sử đau thương và khó khăn đó, Phần Lan cũng đã có những khoảng thời gian rất vất vả để tìm thấy sự ổn định về mặt chính trị và kinh tế. Nền giáo dục Phần Lan cũng không phải luôn tốt đẹp và thành công.
Sự thành công của giáo dục Phần Lan là một sự lựa chọn.
Mỗi quốc gia có một con đường phát triển khác nhau, cũng giống như mỗi con người có những sự quan tâm, lựa chọn nghề nghiệp khác nhau. Khi đứng trước sự lựa chọn là điều gì sẽ giúp Phần Lan đi lên từ trong chiến tranh, Phần Lan chọn con đường Giáo dục.
Pasi Sahlberg, nhà giáo dục nổi tiếng người Phần Lan đã nhận định rằng:
“Trong nửa thế kỷ qua, chúng tôi đã hình thành một nhận thức rằng cách duy nhất để chúng tôi, một đất nước nhỏ bé và độc lập có thể tồn tại được đó chính là giáo dục tất cả mọi người”.
Như mình đã từng chia sẻ trong bài viết đầu tiên, người Phần Lan nói được làm được. Khi họ nói “tất cả” thì có nghĩa là “tất cả”.
Một trong những giá trị quan trọng nhất của hệ thống giáo dục Phần Lan chính là: SỰ CÔNG BẰNG (Equity). Mọi người đều có cơ hội như nhau để có một cuộc sống hạnh phúc và thành công, bất kể bạn sinh ra là ai, ở đâu và như thế nào. Những người yếu thế hơn sẽ được tạo nhiều điều kiện hơn để có cơ hội ngang bằng với những người vốn đã có điều kiện tốt hơn. Công bằng (equity) khác với bình đẳng (equality). Xã hội nói chung và giáo dục nói riêng ở Phần Lan hướng đến sự công bằng.
Một điều mình phát hiện ra sau chuyến đi lần này là thông tin rằng giáo dục mầm non hoàn toàn miễn phí tại Phần Lan là không chính xác. Giáo dục mầm non Phần Lan công lập chỉ miễn phí với người có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp. Còn lại, những người có thu nhập cao hơn sẽ phải trả một khoảng chi phí tối đa là 295 € một tháng, tùy theo mức thu nhập cụ thể. Người có thu nhập cao hơn phải đóng học phí cao hơn. Nếu phụ huynh lựa chọn các trường tư thục thì tuy học sinh vẫn được nhận một phần hỗ trợ từ chính phủ nhưng tổng học phí phải đóng là cao hơn rất nhiều so với trường công.
Chính sách này thể hiện tư duy “công bằng”, ưu tiên cho giáo dục công lập và ưu tiên cho những người có thu nhập thấp, góp phần xóa bỏ khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội. Nhà nước Phần Lan cũng đang ngày càng gia tăng sự hỗ trợ cho các trường công lập để thúc đẩy hơn nữa chất lượng của giáo dục công.
Định hướng chính sách này không phải là lựa chọn dễ dàng vì hiện nay có khá nhiều quốc gia không đi theo con đường này. Họ từ bỏ dần giáo dục công lập và tiến hành thị trường hóa nền giáo dục khi cảm thấy quá bất lực trong việc đảm bảo chất lượng cho toàn bộ nền giáo dục. Phần Lan thật sự là một quốc gia dũng cảm đi ngược chiều gió, và đã thành công với sự dũng cảm của mình.
Có một câu nói mình đã từng đọc về giáo dục Phần Lan, đúng cả với giáo dục mầm non và phổ thông:
Ngôi trường gần nhà nhất là ngôi trường tốt nhất cho con của bạn.
Điều này có nghĩa là hầu như chất lượng của tất cả các trường học tại Phần Lan đều ngang bằng nhau. Nếu bạn chuyển đến Phần Lan từ một quốc gia khác, bạn chỉ cần tìm ngôi trường gần nhà nhất và có thể yên tâm rằng con bạn sẽ nhận được một nền giáo dục đủ tốt. Mình đã trò chuyện với một số người Phần Lan, những người nhập cư đến Phần Lan và họ đã xác nhận nhận định này là khá chính xác.
Nếu bạn muốn tìm một ngôi trường có vị trí thuận lợi hơn hoặc theo đuổi một tiếp cận đặc biệt nào đó, bạn có thể chọn một trường tư và chấp nhận trả phí cao hơn. Tuy nhiên, khoảng cách về chất lượng giữa trường công và trường tư là hầu như không đáng kể. Mọi cha mẹ, dù có điều kiện sống như thế nào, đều có thể an tâm rằng những đứa trẻ của mình sẽ được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt mà không phải lo chạy đôn chạy đáo dùng mọi phương thức, mọi mối quan hệ để con được vào trường tốt, hoặc ít ra nơi mà con sẽ được an toàn. Mình nghĩ rằng đây là một món quà không thể nào tốt đẹp hơn mà xã hội dành tặng cho hành trình làm cha mẹ của mỗi người.
Giá trị “công bằng” trong giáo dục còn thể hiện rất rõ ở cách ứng xử với sự khác biệt trong năng lực của trẻ. Trong 3 ngày còn lại của hành trình, đoàn mình đã đến tham quan Trung tâm học tập thông qua Vui chơi trực thuộc Khoa Giáo dục của Đại học Helsinki, Trường Mầm Non thực hành Pirkkunorssi trực thuộc trường Đại học Turku và Trường Montessori Pakilan. Cả đoàn đã rất ấn tượng với cách làm giáo dục từ những điều nhỏ bé của người Phần Lan.
Một chị trong đoàn đã phát hiện ra rằng các cô giáo tại đây thường hay đeo một xấp thẻ trước cổ với nhiều hình vẽ khá màu sắc. Các cô giáo đã giải thích rằng những tấm thẻ này mang những thông điệp để trò chuyện với trẻ. Có thể đó là một lời khen ngợi khi trẻ đã hoàn thành xong một công việc, hoặc một cử chỉ báo hiệu trẻ nên giữ im lặng, hoặc một mũi tên hướng dẫn trẻ nên rẽ trái hay rẽ phải. Những tấm thẻ này dành cho mọi đứa trẻ nhưng đặc biệt hữu ích dành cho các bé đang gặp khó khăn về ngôn ngữ và giao tiếp. Xung quanh môi trường lớp học cũng có rất nhiều những tấm thẻ như vậy để hướng dẫn trẻ về các khu vực học tập và thời gian biểu trong ngày.
Các giáo viên giải thích rằng tốc độ phát triển ngôn ngữ của mọi đứa trẻ không giống nhau và cũng không cần phải giống nhau. Sự tồn tại của những tấm thẻ này giúp cho dù là đứa trẻ đang ở mức độ phát triển nào, các em cũng không gặp hạn chế trong việc sinh hoạt và học tập. Các em không bị ép phải thay đổi chính mình để thích nghi với môi trường. Môi trường sẽ thay đổi vì các em. Đó mới chính là tinh thần của một nền Giáo dục hòa nhập (Inclusive Education).
Khi lắng nghe những trao đổi của các giáo viên ngay từ ngày đầu tiên, mình nhận ra rằng ở Phần Lan, bản thể của mỗi đứa trẻ đều nhận được sự tôn trọng rất lớn. Môi trường giáo dục cho phép mỗi đứa trẻ được là chính mình, sống theo tốc độ của mình và theo cách mà mình mong muốn. Nhiệm vụ của người giáo viên là yêu thương, bảo vệ những bản thể độc nhất này và tạo điều kiện để những bản thể ấy được phát triển thành phiên bản tốt đẹp của chúng, chứ không phải theo khuôn mẫu của bất kì ai khác.
Một đứa trẻ có thể hoàn thành một nhiệm vụ chậm hơn các bạn khác.
Không ai hối thúc em.
Một đứa trẻ có thể hoàn thành một nhiệm vụ nhanh hơn các bạn khác.
Không ai giữ em lại.
Điều tuyệt vời ở đây chính là trong sự hỗn loạn của việc mỗi đứa trẻ đều vận động theo tốc độ và cách thức của riêng mình, cả giáo viên và đứa trẻ đều có thể tìm thấy nhịp điệu ổn định và sự bình an trong tâm trí.
Mình nghĩ rằng nếu hỏi lãnh đạo của bất kì một quốc gia nào thì họ cũng sẽ trả lời rằng giáo dục là một trong những trọng tâm hàng đầu trong chính sách phát triển của đất nước họ. Tuy nhiên, vấn đề luôn là việc trong thực tế chúng ta hành động ra sao với cam kết này. Có thể lời cam kết chỉ là một lời cam kết suông không dựa trên mong muốn thực sự. Hoặc cũng có thể lời cam kết ấy đến từ thiện ý có thật nhưng lại thiếu đi cách làm đúng đắn nên cũng không mang lại kết quả như đã hứa. Mình ngưỡng mộ Phần Lan vì họ đã làm được cả hai, có một cam kết chân thật và những giải pháp hành động hiệu quả.
Có một chị trong đoàn sau khi quan sát thấy môi trường học tập tại Phần Lan đã nói vui rằng: Ước gì mình được “đầu thai” lại và được lớn lên ở đây!
Mình không nghĩ rằng cơ sở vật chất tại các trường học ở đây tốt hơn ở những nơi khác. Phải nói là tại Việt Nam có những môi trường học tập còn hoành tráng và chỉn chu hơn rất nhiều. Nhưng điều kì diệu của nền giáo dục Phần Lan nằm ở việc, đây là một nền giáo dục có chỗ cho mọi đứa trẻ, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tại Phần Lan, được lớn lên trong một môi trường giáo dục có chất lượng là quyền của mọi đứa trẻ. Không trẻ em nào bị từ chối quyền đi học. Và không trẻ em nào cảm thấy bị phủ định bản thể của mình khi đến trường. Khi em đến tuổi đi học, sẽ luôn có nơi yêu thương, tôn trọng, chăm sóc và nuôi dưỡng em, dù cho em là ai và em như thế nào.
Cám ơn Phần Lan vì đã giúp mình biết rằng, đây là một điều kỳ diệu có thật. Và mình thấy an lòng hơn bao nhiêu khi hiểu thêm rằng Phần Lan không phải là một quốc gia “sinh ra ở vạch đích”. Tất cả, đều đến từ sự lựa chọn và nỗ lực.
Vậy thì nếu Phần Lan làm được, tại sao Việt Nam thì không?
-----------
27-08-2023
Linh Ho
-Nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ Giáo dục học tại Vương Quốc Anh-