Ngày thứ hai tìm hiểu vể Giáo dục mầm non tại Phần Lan đã trôi qua nhanh trong một cái chớp mắt. Có ai đó nói rằng khi ta đang tận hưởng điều gì đó, thời gian sẽ trôi qua nhanh hơn. Thật sự, hôm nay là một ngày vui!
Mình đã từng đọc và nghiên cứu khá nhiều điều có vẻ lớn lao về giáo dục, nhưng buồn cười là có vài việc nhỏ xíu cứ vướng mắc ở trong lòng. Kiểu nếu không tháo gỡ được những vướng mắc ấy thì niềm tin của mình về giáo dục cứ mãi không vẹn tròn. May mắn thay, cơ duyên gặp gỡ với những người giáo viên tuyệt vời đã giúp mình gỡ đi những vướng mắc nhỏ nhưng quan trọng trong thực tế này để mình thêm tin tưởng vào con đường đang đi. Lại kể thêm vài câu chuyện hay hay cho mọi người nghe nhé!
Sáng nay đoàn mình đến tham quan một ngôi trường mầm non song ngữ trong hệ thống trường mầm non Pilke, một trong những hệ thống trường non song ngữ lớn và tiêu biểu nhất tại Phần Lan. Người dẫn dắt đoàn tham quan là Cô Annaleen, một cô giáo người Bỉ nhưng đã sống và làm việc nhiều năm tại Phần Lan, cũng là người phụ trách về chương trình Tiếng Anh tại trường.
Còn buổi chiều, dưới sự hướng dẫn của cô Viktoria, cả đoàn hóa thân thành những em bé Phần Lan trải nghiệm các hoạt động trong rừng. Diện tích rừng ở Phần Lan còn rất nhiều, cho nên ngay tại thủ đô Helsinki, bọn mình chỉ đi bộ tầm một chút là đã được bao bọc bởi cái ôm của rừng xanh. Đã lâu, lâu lắm rồi mình mới có cảm giác được hít thở trong một bầu không khí tuyệt vời như vậy. Cảm giác thật sự là mỗi hơi thở có thể chữa lành một vài tế bào nào đó trong cơ thể của mình.
Các em bé Phần Lan và cả người lớn rất thường xuyên vào rừng chơi. Rừng như là một sân chơi, một ngôi nhà khác của người Phần Lan. Mình đã đọc ở đâu đó về việc một người có thể vào rừng chơi vài tiếng đồng hồ, đắm mình trong không gian của rừng đến nỗi quên mất cả thời gian. Hôm nay, mình thật sự hiểu cảm giác đó là như thế nào.
Thế thì vì sao bình thường ở Việt Nam mình không vào rừng chơi nhỉ? Hmmm, đúng là nếu sống ở thành phố thì cũng rất khó để tiếp cận một khu rừng thật sự. Hoặc có ai đó trong đoàn cũng nói rằng rừng ở Việt Nam không khô ráo, dễ đi như ở các nước Châu Âu. Có lẽ đều đúng, nhưng với cá nhân mình, có lẽ một trong những lý do chính là vì mình không thực sự hiểu được đi vào rừng là để làm gì.
Thú thật với mọi người là mình ít khi làm việc gì mà không có mục đích rõ ràng. Có lẽ là từ bé vì đã được rèn luyện trong một môi trường mà tất cả mọi việc mình làm luôn luôn được tính và ghi nhận lại trong một thứ sổ sách nào đấy, dù là sổ liên lạc hay CV cá nhân - những giấy tờ có giá trị quyết định tương lai của mình, nên việc làm một điều gì đó như việc vào rừng hay dạo chơi trong thiên nhiên, với mình, không thực sự làm gia tăng giá trị cho những giấy tờ đó. CV của mình có giá trị hơn không nếu mình ghi vào là mình hay vào rừng chơi?
Sống có mục tiêu, làm việc có mục tiêu, học tập có mục tiêu. Mình luôn bận rộn với việc đặt ra và hoàn thành những mục tiêu đến nỗi mình khá khắc nghiệt với bản thân. Mình thấy bất ổn khi có giây phút nào đó mình dành thời gian để làm những điều không có mục tiêu rõ ràng. Mình luôn sống cho tương lai nhiều hơn là hiện tại. Nhưng từ ngày đến với giáo dục, mình hiểu ra giá trị của những giây phút bình thường của cuộc sống (the ordinary moments). Mình bắt đầu tập sống chậm lại và tập trung vào hiện tại nhiều hơn. Phần Lan giúp khắc sâu hơn bài học này trong tâm trí mình.
Chuyện thay tã
Cô Annaleen chia sẻ rằng một điều đặc biệt cô thấy ở chương trình Giáo dục mầm non tại Phần Lan chính là hầu như chương trình không đặt ra bất kì một tiêu chuẩn cụ thể nào cho đứa trẻ, ví dụ là đến bao nhiêu tuổi thì các em phải làm được những gì. Với cô, đây thật sự là một sự giải thoát cho giáo viên bởi vì khi không phải chạy đua với các tiêu chuẩn cứng nhắc này, giáo viên có thời gian để tập trung vào những khoảnh khắc nhỏ bé nhưng quan trọng với mỗi đứa trẻ.
Cô nói rằng mô hình Educare trong giáo dục mầm non tại Phần Lan là sự kết hợp chặt chẽ giữa việc chăm sóc và giáo dục. Ý tưởng này mình thấy khá tương đồng với triết lý giáo dục trẻ sơ sinh của Nhà giáo dục nổi tiếng Magda Gerber. Cụ thể, cô Annaleen nói rằng những khoảnh khắc chăm sóc trẻ dù rất đơn giản như thay tã cho trẻ cũng là những khoảnh khắc tuyệt vời cho việc “giáo dục”. Giáo viên hay người chăm sóc có thể vừa thay tã, vừa trò chuyện, vừa hát, vừa vui đùa với em bé.
Đừng quá tập trung vào việc thay tã chỉ để cho em bé có một chiếc tã mới sạch sẽ. Hãy cho phép bản thân mình và em bé cảm thấy thoải mái trong khoảnh khắc đó. Việc thay tã xảy ra rất nhiều lần trong ngày, nên đó là một phần quan trọng trong cuộc sống của cả người lớn và em bé. Hãy trang trí lại góc thay tã, bật một chút âm nhạc, hãy tận hưởng và trân trọng việc thay tã!
Cô Annaleen có kể một câu chuyện khá ấn tượng là cô có nhận các giáo viên đến từ các quốc gia khác có bằng Thạc sĩ về Giáo dục. Khi mới bắt đầu vào công việc, có một số giáo viên đã không thoải mái khi biết là phải trực tiếp thay tã và làm vệ sinh cho các bé. Họ đã nghĩ rằng với trình độ của họ, họ sẽ không phải làm những việc “nhỏ nhặt” như vậy. Nhưng cô Annaleen đã dành thời gian để trò chuyện và giải thích cho giáo viên hiểu giá trị của những việc nhỏ bé thường ngày này. Và cuối cùng, những giáo viên “Thạc sĩ” đã vui vẻ thay tã cho các em bé mỗi ngày!
Chuyện cái áo
Câu chuyện thứ hai và cũng là một vướng mắc mình nghĩ bản thân mình và nhiều người khi chăm sóc con trẻ cũng luôn băn khoăn: Làm gì khi trẻ từ chối một điều mà mình cho rằng cần thiết để bảo vệ cho trẻ?
Cụ thể là tại Phần Lan, thời tiết ngoài trời có thể rất khắc nghiệt, mưa và lạnh, đặc biệt vào mùa đông. Vì vậy nếu muốn ra ngoài trời, các em bé cần phải mặc rất nhiều lớp áo chống lạnh và mưa, đội mũ, đeo găng tay và mang ủng. Khi mình hỏi cô Annaleen rằng: Vậy ta nên làm gì khi em bé từ chối mặc áo lạnh?
Cô nói việc đó thật sự thường hay xảy ra và là những phút giây rất thử thách cho người lớn. Khi đó, đòi hỏi người lớn phải có sự nhạy cảm, thấu hiểu và linh hoạt để thuyết phục trẻ thực hiện điều mà con cần làm trong hòa bình. Đó có thể là một bài hát, một câu chuyện vui, hay một trò chơi thử thách để những trẻ đứng cạnh nhau mặc áo cho nhau.
Mình lại hỏi: “Nhưng nếu trẻ vẫn kiên quyết không mặc áo, cô có cho trẻ ra ngoài sân chơi mà không mặc áo không?”. Cô Annaleen nói rằng cô vẫn sẽ cho trẻ ra ngoài nhưng cô sẽ cầm theo chiếc áo đó. Cô không trách trẻ vì biết rằng đôi khi trẻ con cần phải cảm nhận cái lạnh thật sự để hiểu mình sẽ cần mặc áo và mang găng tay. Cô sẽ kiên nhẫn đợi để em bé hiểu ra điều này một cách tự nhiên.
Chuyện bông hoa
Trong buổi sáng hôm nay, cô Annaleen cũng nói về ý nghĩa của thiên nhiên trong quá trình học tập và trưởng thành của trẻ em. Cô nói rằng thiên nhiên là một sân chơi cực kỳ lý tưởng vì ở đó trẻ có thể làm rất nhiều điều mà trẻ không thể làm được ở các môi trường khác. Trẻ có thể chạy, nhảy, cười, nói, vui đùa, sáng tạo từ những “đồ chơi” có sẵn trong tự nhiên như những chiếc lá, hòn sỏi hay những cành cây theo những cách thức kỳ lạ nhất.
Cô đặc biệt nói một câu mà mình rất ấn tượng: Không có đúng và sai khi chơi trong thiên nhiên. Sau khi kết thúc bài nói chuyện, mình đã hỏi riêng cô rằng: Có thật sự không có đúng và sai không cô ơi, nếu một em bé ngắt một bông hoa đang còn sống, hái một chiếc lá đang còn tươi trên cành thì ta có nên ngăn trẻ lại không?
Cô nói rằng nếu là cô thì cô sẽ không vội vã ngăn trẻ lại, cô sẽ không nói câu: Không, đừng ngắt hoa, như vậy là không tốt đâu con!
Cô vẫn để trẻ làm điều đó nhưng sẽ hướng dẫn trẻ mang bông hoa về lớp, để vào góc quan sát và theo dõi quá trình bông hoa tàn dần, từ đó giúp trẻ hiểu rằng nếu con ngắt một bông hoa tươi như vậy, hoa sẽ không thể tươi được lâu nữa.
Việc ngăn trẻ ngay lập tức không ngắt hoa thật sự dễ hơn nhiều và ta đạt ngay được mục đích là trẻ không làm điều đó nữa. Nhưng ta có chắc rằng trong tâm trí trẻ hiểu được lý do vì sao lại không nên làm như vậy và thật sự hình thành được tình yêu với thiên nhiên?
Chuyện vào rừng
Cô Annaleen cũng chia sẻ quan điểm của cô rằng mục tiêu chính của việc cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên không phải là để cho trẻ học được điều gì cụ thể cả mà chủ yếu là để trẻ tận hưởng cảm giác tuyệt vời khi sống trong thiên nhiên. Đương nhiên một nhà giáo dục tốt sẽ biết tận dụng những khoảnh khắc đó, hay như cách cô nói, nhận ra những “cửa sổ cơ hội” (window of opportunity) để trẻ học thêm được một điều gì đó có ích. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện phụ, xảy ra như một hệ quả cộng thêm, chứ không phải là lý do chính ta cho trẻ đến với thiên nhiên.
Phải nói là cách nghĩ này của cô cũng khá khác biệt so với suy nghĩ thông thường của người lớn và cả một vài tiếp cận giáo dục khác đang được áp dụng tại Việt Nam. Mình thấy giáo viên nước mình khá ám ảnh với việc cho trẻ thực hiện một hoạt động nào đó là để làm gì. Đôi khi quá tập trung vào việc đạt được các mục tiêu giảng dạy mà chúng ta quên mất đi việc tận hưởng những phút giây trong thực tại, tận hưởng niềm vui của việc chỉ đơn giản là cùng trẻ thực hiện một điều gì đó thú vị và mới mẻ.
Chuyến đi thực tế vào rừng ngày hôm nay của bọn mình đã chứng thực quan điểm này của cô Annaleen. Trong hành trình khám phá rừng xanh, Cô Viktoria cho tụi mình thực hiện một vài thử thách theo nhóm. Ví dụ như “săn” những vật liệu có các màu như xanh, vàng, nâu, trắng, đỏ; hái những quả blueberries dại trong thời gian 15 phút; và dùng các vật liệu thiên nhiên có sẵn để xây nên một chiếc lều trú ẩn mà một người có thể chui vừa.
Trong một, hai thử thách đầu tiên, vì đã quen với văn hóa “thi đua”, khi cô vừa tuyên bố tên đội săn khó báu nhanh nhất hay hái được nhiều quả nhất thì đội thắng cuộc lập tức thắc mắc ngay là sẽ nhận được quà gì. Cô chỉ cười và nói phần thưởng chính là bản thân trải nghiệm mà mọi người đã có. Có lẽ có ai đó cũng sẽ thấy chưa thỏa mãn với câu trả lời này đâu nhưng mình để ý thấy là với thử thách cuối cùng, mọi người đã quá tập trung với việc tìm kiếm cách dựng lên chiếc lều từ các vật liệu như cành cây, lá khô hay say sưa ngắm nhìn thành quả của mình đến nỗi chẳng còn ai bận tâm hỏi xem ai là người chiến thắng. Tất cả mọi người đã hóa thành những đứa trẻ thật sự với những niềm vui trong sáng, nguyên thủy nhất.
Đến cuối mỗi hoạt động, mọi người có tổng kết lại những gì mà trẻ học được. Tuy nhiên, với cá nhân mình, tất cả những điều đó không thật sự có ý nghĩa lắm. Khi nghĩ về trải nghiệm “vào rừng chơi” lần này, mình chỉ nhớ về mùi đất và cây cối sau cơn mưa; nhớ cảm giác ngắt những trái blueberries bé xíu, nhớ cảm giác ngạc nhiên cứ ngỡ tay mình chảy máu mà mãi mới nhận ra thì ra đó là do mình đã hơi mạnh tay làm nát một phần quả nên có nước ứa ra; nhớ cảm giác khi các gai nhỏ trên cành cây đâm vào tay; và nhớ cả những tiếng cười giòn tan của mọi người vang vọng trong khu rừng.
Làm người lớn thật sự không đơn giản. Đôi khi chúng ta dính mắc quá nhiều với những mục tiêu và mong muốn mà bản thân ta hay người khác đặt ra. Khi chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em chúng ta cũng thường quá tập trung và áp đặt những mục tiêu ấy lên người bọn trẻ. Mình nghĩ là không nhất thiết phải không có mục tiêu gì cả, nhưng chúng ta nên cẩn thận với cách đặt mục tiêu và thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Đôi khi vì quá mải mê chạy theo những mục tiêu, ta vô tình phá hỏng đi những khoảnh khắc đẹp đẽ trong tuổi thơ ngắn ngủi của các em bé. Từ đó, ta cũng lỡ vô tình phá hỏng đi mối quan hệ của ta với trẻ bằng những lời nói to tiếng và nặng nề vì ta quá áp lực. Mà thật ra đến cuối cùng, điều đó có thật sự giúp ích cho trẻ bền lâu hay không?
Tóm lại, bài học của ngày hôm nay là:
Trân trọng hành trình, chứ không chỉ là đích đến.
Bài học không có gì mới, nhưng những ngày này ở Phần Lan đã giúp mình hiểu rõ hơn rất nhiều rằng điều này có nghĩa là gì trong thực tế nuôi dưỡng trẻ. Mình sẽ nhớ rằng đừng bao giờ vì lo sợ là mình không phải là một người lớn biết cách dạy trẻ yêu thiên nhiên mà vội vã ngăn trẻ ngắt một bông hoa. Sẽ mất thời gian đấy để trẻ hiểu rằng vì sao con không nên làm thế, nhưng đó là một bài học đủ quan trọng để chúng ta cho trẻ thời gian học hỏi và tự mình quyết định lấy. Kiên nhẫn là chứng tích của tình yêu thương.
Xin lỗi bông hoa bé nhỏ nhé!
-----------
22-08-2023
Linh Ho
-Nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ Giáo dục học tại Vương Quốc Anh-
rất tâm đắc với câu chuyện của Chị! xin gửi lời cảm ơn đến loạt bài viết này!