Bài học từ Giáo dục Phần Lan (Phần cuối)
Có giống nhau mới có khác khau: Chúng ta nói gì khi nói về giáo dục?
Ngày mới bắt đầu tiếp cận với giáo dục, mình có một suy nghĩ khá ngây thơ là chỉ cần tìm được một ý tưởng giáo dục đủ tốt, ý tưởng đó có thể thay đổi được toàn bộ hệ thống giáo dục. Nhưng quá trình nghiên cứu về triển khai đổi mới trong mấy năm nay đã làm mình nhận ra một sự thật khá là phũ phàng rằng ngay cả những ý tưởng dường như là hay ho, hiệu quả nhất vẫn có thể thất bại.
Bạn biết không, bàn phím QWERTY mà mình đang sử dụng để đánh những dòng chữ này, cũng là loại bàn phím phổ biến nhất trên thế giới đã được phát minh từ hơn một thế kỷ trước, thời người ta còn dùng máy đánh chữ.
Khi đó, nếu đánh máy quá nhanh sẽ dẫn đến hiện tượng các phím đánh vướng vào nhau, phải tháo ra lắp vào rất mất thời gian. Do vậy, Christopher Sholes đã đề xuất ra QWERTY với mục đích chủ yếu là để làm cho mọi người đánh máy chậm lại, hạn chế tốc độ gõ. Nếu bạn có lúc thắc mắc khi còn bé vì sao học đánh máy lại khó thế, thì đây có thể là lý do.
Điều đáng ngạc nhiên là mãi đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng QWERTY ngay cả khi việc đánh chậm không mang lại lợi ích nào. Nhiều loại bàn phím khác giúp tăng hiệu quả đánh máy đã được sáng chế nhưng vẫn không thể thắng lại được “quán tính” quá lớn của toàn bộ hệ sinh thái liên quan đến máy tính và thói quen sử dụng của người dùng. QWERTY là ví dụ điển hình cho việc có một ý tưởng tốt đẹp cũng có thể không mang lại lợi ích gì.
Những người muốn thực hiện đổi mới thật sự cần phải để tâm đến yếu tố How? (Như thế nào?) nhiều hơn là What? (Cái gì?).
Nền giáo dục Việt Nam những ngày tháng này đang trải qua “cơn đau” của sự đổi mới. Chỉ trong vòng một vài năm, chúng ta liên tục chứng kiến rất nhiều những thay đổi từ chính sách đến thực tiễn. Thật ra, Việt Nam không cô đơn trong “cơn đau đổi mới” này. Rất nhiều quốc gia từ Đông sang Tây đều đang nỗ lực đổi mới giáo dục để thích ứng với một thời đại hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi, đổi mới cũng đã thất bại. Bài học thành công từ các quốc gia như Phần Lan không phải là bài học mà ai cũng có thể học được.
Bài viết đầu tiên trong chuỗi bài viết này mình đã nói rằng mình có phần thất vọng khi nhận ra là mình không thật sự tìm được một tư tưởng giáo dục nào hoàn toàn mới mẻ khi đến Phần Lan. Nhưng đến khi kết thúc hành trình, mình nhận thấy hóa ra đây lại là một cơ hội rất tuyệt vời. Đây chính xác là lý do mà mình cần phải đến Phần Lan.
Không có nơi nào tốt hơn để mình có thể tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu mình đã đặt ra trong 4 năm qua, câu hỏi ngắn nhưng rất khó trả lời: Làm thế nào để đổi mới giáo dục thành công?
Nhiều người khi nghĩ về giáo dục Phần Lan thường nghĩ về sự tự chủ (autonomy). Như mình có mô tả trong bài viết thứ nhất, trường học và giáo viên ở Phần Lan có rất nhiều quyền tự chủ. Cần phải hiểu là đây không phải là một đặc điểm tự nhiên sẵn có mà là kết quả của quá trình Phần Lan đổi mới căn bản về chính sách.
Phần Lan đã quyết định trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các địa phương và cá nhân thay vì giữ lại một nền giáo dục bị kiểm soát quá chặt chẽ từ nhà nước trung ương. Chính vì điều này mà đa số các quốc gia khi muốn học tập Phần Lan đều khao khát muốn cho hệ thống trường học của họ có được sự tự chủ giống như vậy.
Mọi người muốn Hiệu trưởng nhà trường được tin tưởng, giáo viên được tin tưởng, muốn phụ huynh và xã hội trao cho người giáo viên niềm tin để họ có đủ không gian đưa ra những quyết định có ích cho học sinh. Rất nhiều người tin rằng chỉ cần cho giáo viên sự tự chủ đó, phép màu đổi mới sẽ xảy ra. Nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn về đổi mới, ta sẽ thấy rằng mọi việc không đơn giản như vậy.
Sự kìm kẹp quá mức là không tốt. Nhưng sự tự do quá mức cũng không tốt.
Tại Phần Lan, mình thấy được chính xác viễn cảnh lý tưởng mà mình chỉ mới đọc được trong lý thuyết: Một sự cân bằng tinh tế giữa sự thống nhất và sự tự chủ.
Ở Phần Lan, không chỉ có tự do. Trong hành trình mình đi qua các trường mầm non tại đây, một điều mình nhận ra khá rõ ràng là tất cả lãnh đạo nhà trường và giáo viên đều nói những điều rất giống nhau.
Họ đều nói về cách giáo dục tôn trọng quyền và con đường phát triển riêng của mỗi đứa trẻ, về cách trẻ em học tập thông qua vui chơi, về cách kết hợp giữa giáo dục và chăm sóc, về cách tạo ra một môi trường giáo dục hòa nhập cho mọi đứa trẻ, về tình yêu với thiên nhiên, và về sự công bằng trong giáo dục.
Cả đoàn đã phát hiện ra một chi tiết nhỏ nhưng rất thú vị là ở tất cả các trường mầm non đều có quy định chung về màu sắc của các ngày trong tuần. Ví dụ ngày thứ hai sẽ là màu xanh lá cây, thứ ba sẽ là xanh dương, thứ tư là màu trắng. Quy định chung này tạo ra sự thống nhất, một loại “ngôn ngữ chung” để dù đứa trẻ có chuyển từ trường học này sang trường học khác, từ cấp học này sang cấp học khác đều có thể hiểu được những ký hiệu chung này. Có một số hình ảnh biểu tượng khác liên quan đến cảm xúc hay các hoạt động trong các lớp học cũng được quy định chung như vậy.
Có một bạn độc giả sống ở Phần Lan cũng đã chia sẻ rằng khi cha mẹ đón đứa con đầu lòng, họ sẽ nhận được một hộp quà từ chính phủ chứa những vật dụng cần thiết và những tài liệu hướng dẫn về chăm sóc trẻ em, do đó những người trẻ khi bắt đầu làm cha mẹ đều có những quan điểm khá tương đồng nhau.
Như vậy, có phải đang tồn tại một nghịch lý kỳ lạ ở Phần Lan không? Dường như mọi người đang có rất nhiều quyền tự do để làm điều mình muốn, sự đa dạng được tôn trọng ở mức rất cao. Mặt khác, ở một số khía cạnh nào đó thì sự thống nhất, giống nhau đến gần như tuyệt đối cũng đang tồn tại?
Đến hôm khi đã rời khỏi Phần Lan, nhìn lại toàn bộ hành trình đã qua và kết hợp với những nghiên cứu mình có trước đó, mình chợt nhận ra rằng chính nghịch lý này có thể là câu trả lời cho bí quyết tạo nên sự đổi mới chính sách thành công.
Muốn khác nhau, trước hết cần phải giống nhau.
Có một thống kê là người dân Phần Lan và các nước Bắc Âu có mức độ tin tưởng vào những người lạ cao hơn ở các quốc gia khác. Nói đơn giản đây là câu hỏi về việc: Nếu bước ra đường gặp một người hoàn toàn xa lạ, bạn có dám tin tưởng họ là một người tử tế hay không?
Nếu đưa con mình đến một trường học mới, gặp một người hiệu trưởng mới, một giáo viên hoàn toàn mới, bạn có thể tin tưởng là họ sẽ đối xử tốt với con bạn không?
Làm thế nào để tin tưởng một người mà bạn hầu như không hề biết gì về họ?
Mình cho rằng vấn đề tin tưởng ở đây không còn chỉ là câu chuyện giữa những cá nhân với nhau nữa. Bạn tin tưởng một người lạ không liên quan gì đến chuyện người đó là ai, mà bạn tin họ vì bạn tin vào thể chế xã hội, về ý thức xã hội nơi mà bạn và người đó đang cùng chung sống. Bạn tin rằng bạn và họ đều có những giá trị đạo đức giống nhau, được giáo dục để cư xử tử tế với nhau.
Niềm tin xuất phát chính từ những điểm giống nhau này. Khi đã có những nền tảng chung, người ta có thể an lòng, tự tin mà cho phép nhau được có những quyết định khác biệt. Khi đã xác định đi cùng một hướng, ta dám tin rằng dù cho có nhiều đường để đi, mọi người đều sẽ gặp nhau ở đích đến.
Còn khi thiếu đi sự thông hiểu rằng ta đang đi chung một hướng, bất kì hành động đi lệch ra khỏi cung đường đã định đều có thể tạo ra sự hoài nghi, e dè. Ta có cơ sở gì để mà tin nhau khi quá khác nhau?
Phần Lan đã làm rất tốt việc xác định đích đến chung trong giáo dục, nhờ đó, họ dám trao cho mọi người quyền tự do. Và khi trao đi sự tự do, họ nhận lại những con người có trách nhiệm và hành động hiệu quả mà không cần sự kiểm soát quá chặt chẽ. Đa dạng trong sự thống nhất là điều mà mình cảm nhận được rất rõ tại đây.
Nếu nhìn vào Khung chương trình giáo dục mầm non tại Phần Lan, ta có thể thấy họ không đưa ra các yêu cầu cụ thể về chuẩn đầu ra và cách triển khai chương trình.
Họ dành rất nhiều không gian để nói về triết lý giáo dục, quan điểm về việc dạy và học, về quyền và giá trị của mỗi đứa trẻ. Chính những điều này tạo nên sự thuyết phục và thấu hiểu chung trong cộng đồng giáo viên. Tất cả giáo viên, ngay cả với những giáo viên của các trường tư thục, mình nhận thấy họ đều nói về Khung chương trình chung, về triết lý giáo dục, về con đường mà giáo dục Phần Lan đang lựa chọn bằng sự hiểu biết, tin tưởng và hài lòng một cách chân thành.
Còn ở Việt Nam thì chúng ta đang đổi mới giáo dục như thế nào?
Phải khách quan mà thừa nhận là chúng ta đang có một hướng đi đúng về mục tiêu giáo dục, thể hiện qua Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sắp tới đây là Chương trình giáo dục mầm non mới. Tuy nhiên, với những thực tế đang diễn ra, mình tin là rất nhiều người cũng đang hoài nghi về sự thành công khi triển khai những đổi mới này.
Điều đáng tiếc nhất là dường như chúng ta đang không phải đang đi sai hướng mà là chúng ta đang đi sai cách. Và đến hôm nay, mình đang có một giả định rằng một phần lớn của việc “sai cách” ấy là ta đang “nói sai cách”.
Chúng ta đang nói gì khi nói về giáo dục?
Chúng ta muốn đổi mới giáo dục để giảm bớt áp lực thành tích cho học sinh, hướng đến việc học tập suốt đời, học tập tích cực, phát triển năng lực và đặc biệt là các kỹ năng chuyển đổi của thế kỉ 21? Vậy mà trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta nói gì?
Chúng ta vẫn tập trung ca ngợi về những thủ khoa đầu vào, thủ khoa đầu ra, những người vào được các trường danh tiếng bằng số điểm cao chót vót? Chúng ta vẫn đưa tin đầy tự hào về những tấm huy chương của các cuộc thi quốc tế, những giải thưởng khoa học mà học sinh đạt được khi còn ngồi trên ghế nhà trường?
Ngoài những điểm sáng cần phải đặt dấu chấm hỏi đó, hàng loạt những tin tức tiêu cực về thực trạng của giáo dục vẫn xuất hiện hằng ngày làm cả xã hội có muốn cũng khó tìm được những điều tích cực để mà hy vọng, để mà tin tưởng, để mà cố gắng. Mình không nói phải tô hồng thực tế nhưng chúng ta có thể nào tập trung nghe và nói nhiều hơn vào những đích đến tốt đẹp, vào những giá trị thay thế phù hợp với con đường mà ta đang đi hơn không?
Và còn gì nữa, ngày 20-11, ngày được xem là ngày quan trọng nhất của ngành giáo dục, mọi người tập trung ca ngợi điều gì? Với mình, chủ yếu là hình ảnh về những người thầy cô lặng lẽ, âm thầm hy sinh – một hình ảnh nghề nghiệp “đáng thương” nhiều hơn là đáng ngưỡng mộ.
Dịp khai giảng năm học mới trên toàn quốc vừa qua, bao nhiêu ngôi trường tổ chức ra những hoạt động thật sự vì học sinh chứ không phải vì trình diễn, vì truyền thống, vì thi đua?
Và đâu đó mình vẫn thấy có những bạn trẻ bình luận thể hiện quan điểm rằng việc cho trẻ đi học mầm non là không cần thiết vì trẻ chỉ đến đấy chơi thôi mà, chẳng qua đó là nơi “giữ trẻ” cho bố mẹ đi làm thôi.
Thật sự, ở nơi nào mà chúng ta đang nói đủ lớn, đủ mạnh mẽ, đủ rõ ràng, đủ nhiều về tinh thần của một xã hội học tập, về việc lấy học sinh làm trung tâm, về việc phát triển năng lực, về chân dung của những đứa trẻ xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng có được sự tự do chứ không chỉ là những đứa trẻ yếu đuối, cần phải ngoan ngoãn, vâng lời?
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng diễn ngôn về giáo dục trong xã hội Việt Nam hiện nay có lẽ không trùng khớp với định hướng đổi mới.
Nếu không có sự thay đổi sâu sắc về nhận thức, về cách nghĩ, cách nói thì mọi sự cưỡng ép thay đổi về hình thức cũng chỉ làm đôi vai người giáo viên, phụ huynh và học sinh thêm mỏi mệt.
Giáo sư của mình là một người Anh nhưng rất tâm huyết với giáo dục Việt Nam. Thầy đã từng hỏi mình rằng khi nhìn cách Việt Nam thực hiện đổi mới giáo dục, Thầy không hiểu nổi vì sao mọi thứ không tương thích chút nào với thể chế chính trị mà chúng ta đang lựa chọn?
Khi nhìn lại, Việt Nam là một quốc gia đã làm được nhiều điều kỳ tích. Khả năng đoàn kết, thống nhất ý thức xã hội đã được thể hiện ở rất nhiều lĩnh vực, từ tinh thần yêu nước - đấu tranh chống kẻ thù xâm lựợc, bảo vệ lãnh thổ, cho đến việc chống lại dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Ngay cả câu chuyện chuyển đổi số trong một vài năm gần đây cũng đang có những chuyển biến khả quan. Có nhiều việc thật sự chúng ta có thể đoàn kết ý chí của tất cả mọi người để cùng nói và cùng làm nên những điều tích cực.
Không phải là Việt Nam không có khả năng đó mà có lẽ vấn đề là ta chọn làm gì và khi nào.
Quân sự chúng ta đã làm được, kinh tế ta cũng làm được, y tế ta cũng làm được, công nghệ ta cũng đang nỗ lực, vậy thì, bao giờ đến lượt giáo dục? Mình có niềm tin là khi đến lượt, khi bỏ ra đủ công sức để xây dựng nên một “tâm thức cộng đồng” đúng đắn về giáo dục, Việt Nam cũng lại có thể làm được những điều kỳ diệu. Khó đấy, nhưng khi có sự quyết tâm chung, giải pháp sẽ xuất hiện.
Nhưng mình cũng có một sự hoài nghi rằng, có phải chăng để có đủ sự quyết tâm ấy, chúng ta luôn phải chờ đợi một mô hình, một phong trào từ ai đó để học theo? Hay ta phải chờ chuyển hóa được mục tiêu ra thành những con số có thể đong đếm được trong thời gian ngắn, để có những thành tích cụ thể, hữu hình thì ta mới làm được? Còn nếu chỉ là những “ý niệm định tính”, khó đo lường thì không thể nào quy tụ được sự quyết tâm? Nếu thật sự là như vậy thì ta sẽ chờ đến khi nào? Và chúng ta có thể làm gì để ngày đó mau đến hơn?
Mình đã luôn mơ được đến Phần Lan, nơi được xem là có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Nhưng mình không ngờ giá trị của chuyến đi đến Phần Lan này lại có thể lớn lao đến thế cho tư duy và công việc của mình. Cám ơn Phần Lan vì những câu trả lời và cả những câu hỏi mà mình vẫn phải tiếp tục tìm kiếm câu trả lời.
Cũng xin cám ơn tất cả mọi người vì đã theo dõi hành trình và chuỗi bài viết này của mình. Mọi bình luận, tin nhắn, chia sẻ hay những lượt xem, like cũng đều rất có ý nghĩa với mình! Cám ơn mọi người vì đã ở đây.
-----------
08-09-2023
Linh Ho
-Nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ Giáo dục học tại Vương Quốc Anh-