5 cách thức chơi cùng trẻ
Giải pháp khi thiếu thời gian, thiếu ý tưởng chơi cùng con.
Mình đã dành nhiều thời gian chơi cùng với một bạn nhỏ từ khi bạn 2-3 tuổi, cho đến nay là bạn đã gần 10 tuổi. Phải thú nhận là có một câu nói của bạn làm mình thấy khá “đau đầu”: “Chơi với con!”, “Chơi với con!”.
Vừa ngừng một trò chơi xong là ngay lập tức, không ngừng nghỉ bạn lại nói: “Chơi với con!” và muốn chuyển sang một trò chơi mới.
Bạn nhỏ là một cô bé rất nhiều năng lượng, thích trải nghiệm, khám phá, rất thích tương tác với người khác và có một điều nữa làaaa: rất thích chơi với mình!
Điều này rất tuyệt vời nhưng chắc mọi người cũng hiểu, vấn đề là không phải lúc nào người lớn cũng có đủ năng lượng và có đủ thời gian để liên tục chơi, và đôi khi chỉ đơn giản là cạn kiệt ý tưởng để bày ra những trò chơi mới.
Tháng 6 là tháng vui chơi của các em bé thiếu nhi và mấy ngày gần đây có nhiều bài chia sẻ của các chị, các bạn trong lĩnh vực giáo dục về đề tài vui chơi với con, đặc biệt là “chơi tự do” nên mình cũng muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm và quan điểm của mình:
Giống như việc ăn uống, một chế độ ăn lành mạnh là một chế độ ăn ĐA DẠNG. Mình tin là vui chơi cũng nên đa dạng như vậy.
Có nhiều cách thức vui chơi khác nhau bên cạnh việc ra ngoài chơi thể thao, đi công viên, siêu thị, sử dụng thiết bị điện tử hoặc thiết kế, bày ra những trò chơi cần nhiều sự sắp đặt.
Theo mình thì để giảm tải áp lực cho ba mẹ và cho con tiếp thu “đủ các loại chất dinh dưỡng” từ việc vui chơi, ba mẹ có thể LUÂN PHIÊN THAY ĐỔI giữa những cách chơi với con và đặc biệt là gắn việc chơi với những hoạt động trong cuộc sống.
Có 5 CÁCH THỨC CHƠI ba mẹ có thể thử nghiệm:
1. ⛓️CHƠI SONG SONG (Parallel Play)
Chơi song song là một giai đoạn chơi quan trọng trong tuổi thơ, đặc biệt của các em bé mới biết đi (1-3 tuổi). Ở giai đoạn này, các con dành rất nhiều thời gian để chơi độc lập ngay cả khi có em bé hay người lớn khác trong cùng một không gian.
Khi chơi song song, mỗi em bé làm việc của riêng mình và hầu như không tương tác, trao đổi với nhau.
Tuy nhiên, cách chơi này không nhất thiết chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định mà có thể kéo dài cả tuổi thơ của con và ngay cả khi con đã lớn.
Khi con ngồi đọc sách, làm bài tập hay thực hiện một hoạt động độc lập nào đó thì ba mẹ cũng ngồi gần con đọc sách của mình hoặc làm việc trên máy tính hay những công việc khác.
Dù không cùng chơi với nhau nhưng sự hiện diện của ba mẹ ở ngay bên cạnh con, đôi khi tương tác ngắn với con, sẽ mang lại một cảm giác an tâm và giúp con có động lực duy trì việc con đang làm trong khoảng thời gian lâu hơn.
Hãy hình thành cho con ý niệm, thói quen về một khoảng thời gian cố định trong ngày mà cả nhà sẽ cùng hoạt động “song song” với nhau. Đây sẽ là những khoảng thời gian rất quý giá để ba mẹ làm công việc riêng của mình.
2. 👀 CHƠI QUAN SÁT (Onlooker Play)
Một dạng thức chơi khác là con có thể ngồi quan sát ba mẹ làm việc và trò chuyện, thảo luận hoặc mô tả lại quá trình ba mẹ đang thực hiện công việc. Đó có thể là nấu ăn, trồng cây, ủi quần áo hay rất nhiều những việc khác mà ba mẹ phải làm trong ngày.
Trong quá trình làm việc của mình, ba mẹ có thể đặt ra những câu hỏi, yêu cầu cho con quan sát.
Ví dụ, nếu ba mẹ đang nấu ăn, có thể mời con chú ý đến các bước thực hiện như: [“Con xem mẹ rửa rau như thế nào nhé! Mẹ cần những dụng cụ gì? Mẹ rửa rau bao nhiêu lần? Trước khi rửa rau thì mẹ làm gì? Sau khi rửa rau thì mẹ làm gì?”]
Sau khi thực hiện xong công việc, ba mẹ hãy trao đổi lại với con xem con đã quan sát được những gì, hỏi thêm con những câu hỏi để mở rộng suy nghĩ của con.
Với một số bé đã có khả năng vẽ, ba mẹ có thể gợi ý con vừa quan sát, vừa vẽ lại những gì con nhìn thấy. Sau khi quan sát xong, ba mẹ cũng có thể cùng con vẽ/ viết lại quy trình từng bước của công việc ba mẹ đã làm thành những hướng dẫn cho chính con hoặc cho các bạn của con.
Như vậy, con vừa có một việc làm riêng của mình, học thêm những kỹ năng quan trọng mà vẫn giữ được kết nối với ba mẹ, hiểu công việc của ba mẹ hơn và tạo ra những sản phẩm cụ thể có ý nghĩa với gia đình và cộng đồng.
3. 🧹CHƠI HỢP TÁC (Cooperative Play)
Với một số công việc, ba mẹ có thể phân chia nhiệm vụ để con hoàn thành cùng với mình. Điều quan trọng là tạo ra một bầu không khí để con thấy rằng công việc này ý nghĩa và thú vị chứ không chỉ là nghĩa vụ, mang tính nhàm chán, áp đặt.
Ba mẹ có thể đưa ra một danh sách những công việc cần làm phù hợp với khả năng của con và cho con lựa chọn xem con muốn làm gì. Các em bé rất thích có được sự tự chủ trong việc lựa chọn, ra quyết định.
Ba mẹ có thể làm mẫu, hướng dẫn cho con cách làm và một số nguyên tắc quan trọng khi làm công việc đó, rồi để cho con được làm một cách thoải mái trong khuôn khổ những nguyên tắc này.
Ví dụ như khi chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa, ba mẹ có thể đưa ra danh sách các công việc như lau đồ chơi, lau bàn, hút bụi, tưới cây để con chọn lựa. Với việc tưới cây, ví dụ, các bé sẽ rất thích nếu ba mẹ có một số que để đánh dấu việc cây đã được tưới xong (que có dán hình mặt cười/hình giọt nước).
Việc làm càng có những bước làm cụ thể và được hướng dẫn như một “nghi thức trang trọng, quan trọng” và đồng thời lồng ghép vào những chi tiết thú vị sẽ làm cho các bé thấy yêu thích và hình thành thói quen phụ giúp công việc trong gia đình.
4. 🖍️CHƠI SÁNG TẠO ĐỘC LẬP (Creative Play)
Các em bé là những nhà nghiên cứu, nhà sáng tạo và là những nghệ sĩ rất thích thử nghiệm những điều mới mẻ.
Do đó có rất nhiều hoạt động chơi đặc biệt là liên quan đến nghệ thuật như sử dụng màu sáp, màu nước, đất sét, sử dụng nhạc cụ, con rối hoặc những chất liệu trong cuộc sống (viên đá, lá cây, giấy, giấy bìa) để bé tự tạo ra những sản phẩm sáng tạo của riêng mình một cách độc lập và say mê.
Ba mẹ có thể hướng dẫn con những kỹ thuật cơ bản để sử dụng các công cụ, vật liệu này và rồi sau đó để cho con tự do sử dụng chúng để kể lại những câu chuyện, tạo ra những tác phẩm theo ý muốn, góc nhìn của con.
Ba mẹ cũng có thể thảo luận với con về chủ đề, mục đích cho những tác phẩm này nhưng hãy để con là người làm chủ hành trình sáng tạo của mình.
Mình sẽ có một bài viết cụ thể hơn về cách chơi này nhé!
5. ♟️CHƠI TƯƠNG TÁC CÓ LUẬT LỆ (Structured Play)
Khi ba mẹ không đủ năng lượng hay tạm hết các ý tưởng, thì việc cùng con chơi những trò chơi tương tác có luật lệ rõ ràng như Boardgames hay các trò chơi đố như Nối Từ, Liệt Kê, I Spy, Simon Says, cũng có thể là những lựa chọn hợp lý, đặc biệt là với các bé lớn từ độ tuổi tiểu học trở đi.
Những trò chơi đố nhau chỉ sử dụng việc suy nghĩ và trò chuyện là “món ăn yêu thích” của mình và các bạn nhỏ khi đi bộ, đi xe, khi chờ khám bệnh và bất kì khi không có việc nào khác có thể làm được.
Ngay cả trong chính những trò chơi có luật lệ này luôn có không gian để cho con sáng tạo và thử nghiệm nên các bé cũng rất thích và có thể tập trung được rất lâu.
----
Với những cách chơi trên đây, việc chơi không cần phải tách biệt ra khỏi cuộc sống của cả gia đình, không cần sử dụng các thiết bị điện tử, ba mẹ có thể vừa chơi với con vừa làm những công việc khác.
Chơi cũng là một dạng KỸ NĂNG và THÓI QUEN, do đó các con rất cần ba mẹ đồng hành trong quá trình HỌC CÁCH CHƠI.
Hy vọng những gợi ý này sẽ giúp giải đáp phần nào những trăn trở của ba mẹ về việc chơi với con, có thêm nhiều món ăn mới để “đổi món” cho cả gia đình.
Chúc Ba Mẹ và các em bé có một mùa hè thật vui và ý nghĩa nhé!
- Linh Hồ -
Tiến sĩ và Thạc sĩ Giáo dục học tại Vương Quốc Anh